👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Cho đến nay, đội bóng đá của Việt Nam đã 2 lần giành huy chương vàng môn bóng đá nam ở các kỳ SEA Games (Southeast Asian Games), đó là SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, và lần tiếp theo là SEA Games 31 ngay trên sân nhà, trong trận đấu ngày 22/5/2022.
Tên gọi SEA Games bắt đầu từ kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 9 tại Malaysia năm 1977. Tám lần tổ chức trước đó, đại hội này tên là SEAP Games (Southeast Asian Peninsular Games), lần đầu diễn ra tại Thái Lan năm 1959, và đội giành ngôi vô địch ở môn túc cầu nam (tên gọi môn bóng đá nam thời đó) ở SEAP Games lần đầu tiên là đội banh của miền Nam Việt Nam (VNCH)
Đội hình của hội banh Việt Nam vô địch SEAP Games 1959:
Tỷ – Rạng – Cụt
Thanh – Hiếu (c) – Myo
Nhung – Vinh – Há – Thách – Tư
Ảnh: Trần Khiêm
Đội túc cầu đại diện cho Việt Nam được thành lập để thi đấu quốc tế từ năm 1949 cho đến năm 1975. Ở SEAP Games 1 năm 1959, đội bóng đá của VNCH tham dự và thắng chủ nhà Thái Lan 3-1 để giành huy chương vàng.
Trong 2 thập niên 1950, 1960, đội bóng VNCH được đánh giá là khá mạnh so với khu vực Đông Nam Á, với các thành tích khác như: Vô địch Giải bóng đá Merdeka lần thứ 10 năm 1966, Vô địch giải quân đội tại Thái Lan năm 1971, vào Bán Kết giải Châu Á năm 1962.
Tuy nhiên ở các giải SEAP Games được tổ chức sau đó, đội banh quốc gia Việt Nam không vô địch được thêm lần nào nữa. Đặc biệt từ thập niên 1970, do ảnh hưởng của thời cuộc nên đội banh VNCH không còn mạnh và nhiều lần thất bại trước các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á.
Lâu nay vẫn có thông tin cho rằng trước năm 1975, đội bóng VNCH vươn tầm châu lục, vượt xa các đội bóng Nhật, Hàn… Tuy nhiên công bằng mà nói, đội bóng VNCH chỉ thực sự mạnh vào khoảng thập niên 1960 với 2 chức vô địch như đã nói ở trên. Ngoài ra, khi đối đầu với đội bóng Nhật Bản, VNCH đã thắng 3 trận nhưng cũng để thua 4 trận, và chưa bao giờ thắng được đội Hàn Quốc. Ngoài trận thắng Miến Điện năm 1966 để giành chức vô địch Merdeka, các trận khác thì VNCH đều bại dưới tay đội Miến Điện. Cụ thể là:
SEAP Games 1961, thua Miến Điện 1-2 ở bán kết.
SEAP Games 1967, thua Miến Điện 1-2 ở chung kết.
SEAP Games 1973, thua miến Điện 2-3 ở chung kết
Ngoài chức vô địch SEAP Games năm 1959, đội VNCH vẫn tham dự SEAP Games ở các năm tiếp theo nhưng không thể lên ngôi lần nữa, điều đó cho thấy là đội bóng VNCH không thể hiện được sự vượt trội so với các đối thủ trong khu vực.
Tuy nhiên, đã có thời điểm đội bóng VNCH sở hữu những tài năng bóng đá kiệt xuất và được vinh danh trong các đội hình tiêu biểu của Châu Á. Điển hình là:
Phạm Huỳnh Tam Lang:
Tring vệ đội trưởng đội banh VNCH Tam Lang là cầu thủ xuất sắc trong các thập niên 1960-1970, đã bắt đầu sự nghiệp banh tròn khi từ Gò Công lên sống ở Sài Gòn – Chợ Lớn, đầu tiên là vô đội banh Ngôi sao Chợ Lớn, rồi sau đó là đội AJS (Association de la Jeunesse Sportive). Ông được bầu là thủ quân của đội tuyển quốc gia miền Nam Việt Nam và năm 1966 đã cùng đội quốc gia Việt Nam giành được cúp Merdeka. Trong năm này, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh đã được mời vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á”.
Ba ngày trước khi đội banh Việt Nam lên đường sang Malaysia đá cúp Merdeka 1966, đoàn cải lương Dạ Lý Hương đã mời đoàn đội tuyển đến xem cải lương ở rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Trong lời phi lộ, đoàn Dạ Lý Hương đã chúc đội banh thành công, đem chuông đi đánh xứ người tốt đẹp. Đây cũng là khởi đầu cho mối tình giữa nghệ sĩ Bạch Tuyết và Tam Lang.
Phạm Văn Rạng
Được đánh giá là một trong những thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam Cộng Hòa. Thời còn thi đấu, cái tên Phạm Văn Rạng đã lan rộng ra khắp châu Á. Báo chí nước ngoài từng ca ngợi và tôn vinh ông là “Đệ nhất thủ môn Á châu” cùng với biệt danh “Lưỡng thủ vạn năng”.
Ông bắt đầu sự nghiệp năm 17 tuổi trong màu áo đội Ngôi sao Bà Chiểu. Hai năm sau, ông được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953, ở tuổi 19 ông được tuyển vào đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Cùng với đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ông đoạt Huy chương vàng môn bóng đá tại SEAP Games lần I (1959) tại Thái Lan.
Năm 1964, ông chia tay đội tuyển miền Nam Việt, sau 12 năm trấn giữ khung thành. Nhưng, năm 1966, ở 32 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á thi đấu với CLB Chelsea của Anh. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2 – 1 dành cho đội tuyển Ngôi sao châu Á. Các báo Malaysia và khu vực đã cùng bình luận rằng: người có công lớn nhất cho chiến thắng của đội tuyển châu Á chính là tay thủ môn đến từ Việt Nam có tên Phạm Văn Rạng.
Một trong những giải túc cầu mà đội banh tròn VNCH có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất là giải Merdeka, được tổ chức dịp Lễ Độc Lập Malaysia. Giải Merdeka thường mời nhiều anh hào Á Đông, gần như một giải Á Đông thường niên thu nhỏ.
Tại giải Merdeka 1961, VNCH thắng Nhật Bản 3-2, đến năm 1964, một lần nữa VNCH lại hạ Nhật Bản 2-0. Đặc biệt tại Merdeka Cup năm 1966, với 12 nước tham dự, đội banh VNCH đã giật cúp vô địch. Trên sân cỏ Malaysia năm đó, VNCH với các hảo thủ như thủ thành Lâm Hồng Châu, Lại Văn Ngôn, Tam Lang, Nguyễn Văn Ngôn, Đỗ Thới Vinh… lần lượt hạ New Zealand 5-0, Nhật Bản 3-0, Mã Lai Á 5-2, Đài Loan 6-1. Trận chung kết, các chân sút VNCH oanh liệt khuất phục Miến Điện (Burma) 1-0.
Dân Sài Gòn đã vui mừng đón tiếp trọng thể đội banh vô địch trở về, hành trình đón diễn ra từ phi trường Tân Sơn Nhứt cho tới tận Tòa Đô Chánh. Theo lời ông Tam Lang kể lại:
“Chúng tôi mỗi người đứng trên một xe jeep mui trần diễu hành từ sân bay Tân Sơn Nhứt qua các phố về Tòa Đô Chánh, với sự hoan nghênh chào đón của hàng ngàn người. Các cầu thủ còn được các mạnh thường quân và Tổng cuộc Túc cầu tặng mỗi người một tấm lắc vàng ròng để kỷ niệm và ghi nhận thành tích lớn”.
Một điều đặc biệt là Huấn luyện viên của đội tuyển VNCH vô địch giải này là ông Karl-Heinz Weigang người Đức, khi đó mới 31 tuổi.
29 năm sau, vào năm 1995, lần thứ 3 đội tuyển bóng đá của Việt Nam thống nhất tái gia nhập SEA Games, và cũng chính ông Weigang đã trở lại và giúp đội Việt Nam giành huy chương bạc SEA Games Chiang Mai năm 1995 – Một giải đấu rất đáng nhớ với người Việt Nam, trong lần đầu tiên đội banh Việt Nam trở lại với đấu trường Đông Nam Á sau tròn 20 năm (1975-1995)
Đặc biệt, ở giải đấu quân đội Thái Lan năm 1974, độ VNCH đã vô địch với sự chứng kiến của vua bóng đá Pele.
–
Nguyên thủy, môn túc cầu, lúc đó được gọi bằng những cái tên khác nhau, như banh tròn, đá banh, được du nhập vô Việt Nam từ người Pháp vào cuối thế kỷ 19 và được phát triển mạnh tại Nam Kỳ, dần dần lan rộng ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Những người Việt đầu tiên đá banh ở Sài Gòn gồm giới công chức, thương gia…
Ở Sài Gòn, các sân banh thời đó còn thô sơ: ở công viên thành phố – sau này là sân Tao Đàn; sân Citadelle – tức sân Hoa Lư về sau; sân Renault – trở thành sân Cộng Hoà rồi sân Thống Nhất sau này…
Về tổ chức, có đội Cercle Sportif Saigonnais đầu tiên được tổ chức bài bản nhất, liên tiếp vô địch các giải đấu giữa các câu lạc bộ vào 2 thập niên đầu thế kỷ 20. Đây là đội banh gồm toàn bộ là cầu thủ người Pháp do ông Breton thành lập. Đội banh người Việt đầu tiên được thành lập là Gia Định Sport vào năm 1908, do ông Ba Vẽ thành lập. Sau đó không lâu, Gia Định Sport sáp nhập với hội banh Étoile Bleue (Ngôi sao xanh) của ông huyện Nguyễn Đình Trị thành hội Étoile de Giadinh (Ngôi sao Gia Định).
Hội banh Ngôi sao Gia Định có sân vận động Fourrieres trước Lăng Ông Lê Văn Duyệt. Đội banh này có phong cách đá banh kỷ luật và chuộng tinh thần thể thao. Mùa giải các hội banh năm 1917, Ngôi sao Gia Định đã vượt qua hội banh số 1 Cercle Sportif Saigonnais 1-0. Năm 1923, Ngôi sao Gia Định đoạt chức vô địch giải vô địch Nam kỳ (Championnat de Cochinchine). Đây là lần đầu tiên một đội banh Việt Nam đoạt giải này, vượt lên trên các đội người Pháp.
Từ đó Ngôi sao Gia Định được coi là một trong “tứ hùng” ở Nam kỳ gồm 2 đội Việt Nam và 2 đội Pháp: Cercle Sportif Saigonnais, Saigon Sport, Stade Millitaire và Ngôi sao Gia Định.
Đội banh Ngôi sao Gia Định lên đến đỉnh cao trong thập niên 1930, nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh, đá ở đâu cũng có người đến xem, đoạt chức vô địch Nam kỳ trong các năm 1932, 1933, 1935, 1936. Lúc này có rất nhiều hội đá banh hoạt động và mạnh như Cercle Sportif Saigonnais, Commerce, Sport Govap, Union Sportive Cholonaise, Sport Khánh Hội, Hiệp Hòa Victoria.
Đầu thập niên 1950, thời hoàng kim của Ngôi sao Gia Định đã qua, hội banh giải tán năm 1954, các cầu thủ gia nhập các hội AJS và Cảnh sát.
Cuối thập niên 1950, nhiều đội banh nổi tiếng trước đó ở Sài Gòn – Chợ Lớn dần biến mất hoặc sáp nhập với các đội banh có tài chính mạnh hơn thuộc các cơ sở thương mại hay cơ quan chính quyền như đội Tổng tham mưu, Việt Nam thương tín, Cảng Sài Gòn, Cảnh sát, Quan thuế.
Trong thời gian này, môn thể thao đá banh có nhiều đội và cầu thủ ưu tú. Các trận đá được tổ chức thường xuyên mỗi mùa ở sân vận động Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Sân được nâng cấp với đèn để có thể đá banh vào buổi tối thu hút rất đông khán giả đến xem. Sân Cộng Hòa trở thành sân banh lớn nhất và đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều trận đá quốc tế đã được tổ chức ở đây và cho đến nay vẫn là sân banh tốt nhất ở Sài Gòn.
Về tên gọi môn “banh tròn”, đây là tên gọi môn đánh banh ở Việt Nam trong suốt thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20. Sau năm 1954, do sự phân hóa ngôn ngữ ở vùng miền, ở phía Bắc gọi thành môn bóng đá, còn ở phía Nam gọi là môn túc cầu.
Lật lại tất cả những bài báo quốc ngữ đưa tin về môn này thời trước năm 1954, chúng ta các báo hoặc là ghi môn banh tròn, hoặc là ghi chữ môn túc cầu, thỉnh thoảng còn ghi chữ “đá banh”, không tìm thấy tờ báo nào trước 1954 ghi chữ “bóng đá”.
Tên gọi “banh tròn” là để phân biệt với môn “banh dài” (tức môn banh bầu dục) cũng đang phổ biến ở phương Tây lúc đó.’
Nguồn tham khảo: Nguyễn Đức Hiệp (Sài Gòn – Chợ Lớn, Thể thao và báo chí trước 1945)