Loạt hình ảnh đẹp trên vỉa hè đại lộ Lê Lợi của Sài Gòn năm xưa _sgx

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

“Tôi nhớ hồi thập niên 1960, cứ cuối tuần, học sinh lớp lớn và sinh viên hay lên dạo chơi, hóng mát ở đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gòn. Nữ sinh ngày đó thường thong thả đi xe đạp, mặc áo dài trắng trông rất dịu dàng dưới tán xanh cổ thụ trên những đại lộ xưa cũ này”, bà Trần Thị Phượng, một người Bắc di cư vào Sài Gòn từ năm 1954 – kể lại trên báo Tuổi Trẻ về kỷ niệm về cuộc sống ở Sài Gòn trước năm 1975.

Năm 1955, khi bà Phượng mới 7 tuổi, vừa mới từ Hà Nội vào Sài Gòn một năm, thì được cha mẹ lần đầu dẫn lên đại lộ Lê Lợi để mua sách, ăn kem và xem phim: “Hồi ấy chưa có hiệu kem Bạch Đằng, nếu tôi nhớ không nhầm thì tiệm kem mình ăn ở đường Lê Lợi là Lan Phương hay Phương Lan gì đó. Và cả bên Nguyễn Huệ cũng có những tiệm kem rất ngon. Nữ sinh vào ăn, các chàng sinh viên và cả thanh niên đi làm rồi cũng là đà vào theo”.

Ngoài mê sách, xem phim, người trẻ Sài Gòn ngày ấy lên chơi trên đường Lê Lợi còn có một thú vui khác là chụp hình lưu giữ lại thời xuân sắc không bao giờ trở lại của mình.

Ngã 4 Lê Lợi – Công Lý (đúng ra là Ngã 5 vì có thêm đường Nguyễn Trung Trực đổ ra) là khu vực bán sách cũ nổi tiếng nhất của Sài Gòn, nằm sau bờ tường của Bộ Công Chánh. Nơi này được ký giả thời đó mô tả trong trang báo năm 1972 đăng trên Đời như sau:

“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”.

Khu bán sách góc Công Lý – Lê Lợi

Khu này ban đầu chỉ có vài gian sách nhỏ, sau đó lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên cảnh sát đến giải tán triệt để. Nhưng dần dần vì không thể dẹp bỏ được nhu cầu mua bán chính đáng nên khu bán sách này được chính quyền chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hằng năm vài ngàn đồng và vài chục đồng thuế chỗ ngồi mỗi ngày.

Hiện nay, khu sách này chính là vị trí của tòa nhà Sài Gòn Centre – Takashimaya.

Cũng ở khu vực sách này, lùi lại một chút ở bên kia đường là nhà sách Khai Trí nổi tiếng của Sài Gòn. Nhà sách này của ông Nguyễn Hùng Trương, có mặt tiền 2 căn nhà trên đại lộ Lê Lợi khi còn mang tên Bonard vào đầu thập niên 1950. Các độc giả, khách hàng của Khai Trí là những trí thức, sinh viên học sinh, từ em bé, thiếu niên, thanh niên cho đến các vị đã cao niên đều thường xuyên ghé qua. Cửa hàng sách vừa có chiều sâu vừa có bề rộng, bày tầng tầng sách báo từ trong ra ngoài, lúc nào cũng đầy ắp người. Nhà sách khai Trí hiện nay là nhà sách FAHASA Sài Gòn ở số 60 Lê Lợi.

Nhắc tới cuộc sống người Sài Gòn trên đại lộ Lê Lợi xưa, không thể không nhắc tới ngã tư Lê Lợi – Pasteur, nơi có nước mía Viễn Đông, phá lấu và rạp phim Casino:

Ngã 4 Lê Lợi – Pasteur

Ở góc ngã 4 này có toà nhà Viễn Đông chuyên kinh doanh hàng điện tử, nằm ở số 57-59 Lê Lợi. Ở tầng trệt, ngay bên phải của Viễn Đông có một nhà nhỏ không biển hiệu, giăng bạt ở hiên để bán nước mía, nên người ta vẫn thường gọi là Nước mía Viễn Đông.

Đại lộ Lê Lợi, hướng đi về phía Hạ Nghị Viện (Opera House). Ngay phía trước là ngã tư với đường Pasteur, nước mía Viễn Đông ở bên phải
Bên trái hình là Hạ Nghị Viện (Nguyên là Nhà hát Sài Gòn)

Cũng ở góc đường Lê Lợi – Pasteur, đối diện bên kia đường của hãng Viễn Đông là Bưu Điện Quận 1, nơi ngày nay là Saigon Centre:

Bưu điện Quận 1 bên trái hình

Cũng ở góc đường này, đối diện bên kia đường, ở số 28 Lê Lợi là Nhà hàng Kim Hoa, chuyên về các món ăn Việt, Tây, Tàu. Mặt tiền có mái chìa ra và mành sáo che nắng mưa cho thực khách ngồi ngoài hè đường.

Vỉa hè nhà hàng Kim Hoa đại lộ Lê Lợi

Trước khi khi nhà hàng Kim Hoa ra đời thì đây là tòa nhà cũ của rạp chiếu phim Casino Saigon nổi tiếng, nằm ở số 28 đường Bonard.

Trước đó rạp Casino Saigon này được thành lập từ năm 1910, trước đó nữa là ở địa chỉ số 30 Bonard, sau đó mới xây thêm cơ sở mới, còn nhà cũ trở thành nhà hàng khách sạn.

Đến năm 1955, rạp Casino Saigon như trong ảnh bên trên bị phá bỏ để sửa chữa thành Nhà hàng Kim Hoa, còn rạp Casino Saigon mới khác thì được dời qua sát bên cạnh, về phía đường Pasteur, như trong hình bên dưới:

Rạp Casino ở đường Pasteur

Đi một đoạn nữa là đến ngã 4 Lê Lợi – Công Lý. Đường Lê Lợi khá ngắn, nguyên con đường dài chỉ khoảng 1km và cũng chỉ có 2 ngã tư là Lê Lợi – Pasteur và Lê Lợi – Công Lý.

Đường Lê Lợi, đoạn giữa Pasteur và Công Lý. Bên trái hình là ngã tư với Pasteur, bên phải hình là ngã tư với Công Lý
Toàn cảnh đường Lê Lợi với 2 ngã tư, hình nhìn về phía chợ Bến Thành. Bên trái là Bưu Điện Quận 1, nơi ngày nay là Saigon Centre

Gần ngay ngã tư này, người Sài Gòn xưa còn nhớ tới rạp chiếu phim Vĩnh Lợi, được nhiều người vào xem vì giá vé rẻ. Rạp này ra đời từ thập niên 1930 mang tên là Cinéma Bonard. Cách rạp Vĩnh Lợi một hẻm nhỏ là nhà hàng Thanh Bạch, có ghế bàn đặt trên bờ hè trước quán, khách vừa có nơi ăn uống thoáng đãng vừa được ngắm cảnh sinh hoạt trên phố xá. Tiệm cơm Thanh Bạch nằm tại tầng trệt của tòa nhà năm tầng, lầu một đến lầu hai thuộc về nhà hàng và khiêu vũ trường Olympia (tên cũ là Thiên Hương).

Rạp Vĩnh Lợi và khiêu vũ trường Olympia. Bên phải hình là Nhà thương Chủ Hỏa (bịnh viện Đô Thành)
Quán Thanh Bạch bên cạnh rạp Vĩnh Lợi

Tại góc đường Công Lý – Lê Lợi nhìn về phía chợ Bến Thành thấy trước mặt có một ngã 5, vì có thêm đường Nguyễn Trung Trực đổ ra. Ngay góc Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực là nhà hàng Kim Sơn mở từ thập niên 1950, bên kia đường là nhà sách Vĩnh Bảo, có tầng trên lầu nhà phòng trà Quốc Tế (International) ở phía giáp đường Công Lý, như bạn có thể thấy ở hình bên dưới.

Ngã 5 Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực – Công Lý. Nhà màu trắng phía bên phải hình là Thương Xá Tam Đa (Crystal Palace) trên đường Công Lý do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, là nơi tầng 3 có nhà hàng ca vũ nhạc Pha Lê. Giới mộ điệu ca nhạc thường ghé qua khu phố Công Lý này, tìm đến các trung tâm phát hành băng nhạc Mạnh Phát, Phạm Mạnh Cương, Thúy Nga, Jo Marcel, Shotguns… hoặc đi qua trung tâm Tiếng Hát Đôi Mươi của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phía bên đường Nguyễn Trung Trực cạnh nhà sách Vĩnh Bảo.

Ở bên trái của tấm hình bên trên, chúng ta có thể thấy nhà hàng Kim Sơn như hình bên dưới.

Hầu hết ca sĩ – nhạc sĩ xưa đã từng ngồi ở nhà hàng Kim Sơn, bởi vì có nhiều phòng trà ở khu này

Ở tầng trên cùng của nhà hàng Kim Sơn là phòng trà Bồng Lai, như các bạn thấy trong hình bên dưới:

Phòng trà Quốc Tế và phòng trà Bồng Lai là 2 phòng trà nổi nhất đầu thập niên 1960, nằm sát nhau, cùng nằm trên đại lộ Lê Lợi và chỉ cách nhau bằng một con đường nhỏ Nguyễn Trung Trực, vì vậy các ca sĩ xưa thường là nhận lời hát cho 2 phòng trà này trong cùng một đêm vì dễ dàng chạy qua chạy lại giữa 2 bên.

Ngã 3 Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực (Sài Gòn). Bên phải là phòng trà Quốc Tế (International), còn phòng trà Bồng Lai nằm trên lầu của căn nhà bên trái

 

Sau đây, mời các bạn xem bộ ảnh cuộc sống đời thường của người Sài Gòn trên hè phố đại lộ Lê Lợi xưa:

                                                                         

chuyenxua.net biên soạn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *