Câu chuyện về những bùng binh nổi tiếng Sài Gòn xưa – Kỳ 2: Bùng binh chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành)

Trong loạt bài viết về lịch sử những bùng binh nổi tiếng nhất Sài Gòn, tiếp theo kỳ 1 là bùng binh Bồn Kèn, ở kỳ 2 này xin nói về một bùng binh rất quen thuộc khác. Những người từng sống ở Sài Gòn trước năm 2014, không ai là không biết đến bùng binh đằng trước chợ Bến Thành với điểm nhấn là ở chính giữa có tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa phóng bồ câu đưa tin. Cùng với bùng binh Bồn Kèn, có lẽ đây là bùng binh nổi tiếng nhất của Sài Gòn xưa, gắn liền với lịch sử nhiều biến động của thành phố này.

Bùng binh chợ Sài Gòn (Bến Thành) thập niên 1970

Trước khi nói về bùng binh này, xin nhắc sơ qua về lịch sử hình thành chợ Bến Thành, xưa cũng thường được gọi là chợ Sài Gòn, hoặc Chợ Mới (để phân biệt với chợ Bến Thành cũ), được khởi công xây dựng từ năm 1912 trên một khu vực mà trước đó chỉ là một vùng ao đầm lớn nằm bên cạnh nhà ga xe lửa Sài Gòn được xây dựng trước đó 30 năm.

Ga xe lửa Sài Gòn nằm bên góc trái của hình, đối diện chợ Bến Thành. Ở giữa là bùng binh

Ngôi chợ được xây dựng hoàn tất sau 2 năm với sự góp vốn của đại phú gia Hứa Bổn Hòa (chú Hỏa), một trong những thương nhân giàu có nhất xứ Việt đầu thế kỷ 20.

Xung quanh chợ Bến Thành ngày nay vẫn còn những dãy nhà cũ xây cùng thời với chợ Bến Thành vốn thuộc sở hữu của gia tộc Hứa Bổn Hòa.

Dãy nhà mái ngói bên cạnh chợ Bến Thành được gia tộc Hua Bon Hoa xây cùng lúc với chợ, ngày nay vẫn còn. Hình chụp thập niên 1970

Vài năm đầu tiên sau khi có chợ Bến Thành thì phía trước chưa có quảng trường, bùng binh. Bên cạnh khu chợ mới vừa được xây dựng, trên đầm lầy cũ bắt đầu mọc lên các đường phố đan xen kiểu bàn cờ, như là đường Amiral Courbet (nay là đường Lê Lai), Nemesis (nay là Phó Đức Chính), Bourdais (nay là đường Calmette), Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm), d’ Ayot (nay là đường Nguyễn Thái Bình)…

Trước chợ Bến Thành, khi chưa có bùng binh

Vài năm sau đó, khoảng năm 1919, một đoạn ngắn của đường Nemesis ngay trước chợ Bến Thành được quy hoạch thành bùng binh và mở thêm một con đường nối chợ Bến Thành với khu vực Chợ Lớn. Con đường này ban đầu đặt tên là đại lộ Saigon-Cholon, nhưng ít lâu sau đổi tên thành đại lộ Galliéni. Từ năm 1955 đến nay, đại lộ Galliéni đổi tên thành đường Trần Hưng Đạo.

Chợ Bến Thành và bùng binh phía trước khi vừa được xây dựng

Sau khi được xây dựng, bùng binh trước chợ Bến Thành được đặt tên chính thức là quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac), đặt theo tên thị trưởng người Pháp đầu tiên của thành phố Sài Gòn.

Tàu điện tuyến Bến Thành – Hóc Môn đi ngang qua bùng binh trước chợ Sài Gòn vào thập niên 1920

Khu đất giữa quảng trường Cuniac cách đây 100 năm (thập niên 1920) là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán, các gánh xiếc giải trí, cải lương, nhạc tài tử, múa, ca nhạc với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây.

Đến năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa đổi tên nơi này thành quảng trường Diên Hồng, đến năm 1963 được mang thêm tên mới là quảng trường Quách Thị Trang, là tên một nữ sinh 15 tuổi chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính giữa bùng binh cũng có bức tượng của Quách Thị Trang được xây dựng và tồn tại suốt 40 năm trước khi được dời về công viên Lý Tự Trọng.

Tượng đài Quách Thị Trang (lúc này chưa có tượng đài Trần Nguyên Hãn

Tượng Quách Thị Trang sau khi đã có thêm một tượng đài khác ở sau lưng

Cũng từ lúc đó, chợ Bến Thành có thời gian bị đổi tên thành chợ Quách Thị Trang. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì bảng tên chợ này được gỡ xuống:

Sau đó không lâu, từ năm 1967, ngay bên cạnh tượng Quách Thị Trang, binh chủng truyền tin đã dựng tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn (người được suy tôn là thánh tổ của binh chủng này) cưỡi ngựa và phóng bồ câu đứng trên một bệ đá cao ngay chính giữa bùng binh.

Một số hình ảnh 2 tượng đài nằm chính giữa bùng binh:

Sau đây là một số bức hình khác của tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành – là hình ảnh đã trở thành thân thuộc với người dân sống ở Sài Gòn suốt nhiều thập niên, trước khi được di dời về công viên Phú Lâm năm 2014 để nhường chỗ cho công trình xây dựng nhà ga metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên.


Trước chợ Bến Thành cũng đã từng có cầu bộ hành dành cho người đi bộ, giúp tránh khỏi dòng xe cộ đông đúc ở trước chợ. Tuy nhiên ít người biết rằng không chỉ có một, mà có 2 cầu bộ hành bằng sắt. Cây cầu thứ nhất bắc ngang từ chợ qua bùng binh, nơi có tượng Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa. Cây cầu thứ hai bắc từ bùng binh sang trạm xe buýt trung tâm.

Hai cây cầu nổi này được thiết lập nhằm giúp cho khách bộ hành qua lại chợ Bến Thành an toàn hơn, vì khu vực bùng binh trước chợ xe cộ qua lại nườm nượp từ sáng tới tối.

Cầu bộ hành 1 bắc qua chợ:

Huế xưa - Sông Hương - Hương River - 1961

Cầu bộ hành 2 bắc qua trạm xe buýt:

Sau đây là một số hình ảnh được chụp từ cầu bộ hành ra các hướng khác nhau:

Nhìn về hướng đại lộ Lê Lợi

Nhìn về hướng đường Lê Lai (bên hông ga Sài Gòn)

Nhìn về hướng đại lộ Trần Hưng Đạo

Nhìn về phía đại lộ Hàm Nghi, bên trái là trụ sở hỏa xa

Phía trước bùng binh, nhìn qua đối diện chợ Bến Thành là Ga Sài Gòn – nhà ɡa xе lửa đầu tiên ᴄủa người Pháp xây dựnɡ ở Đônɡ Dươnɡ, đượᴄ khởi ᴄônɡ năm 1881 νà hᴏàn thành năm 1885, là ɡa đầu tiên trên tuyến đườnɡ xе lửa Sài Gòn đi Mỹ Thᴏ.

Đường bên phải hình là Lê Lai, bên trái là Ga Sài Gòn. Góc trái là 1 phần của bùng binh

Khung cảnh đông đúc ngày Tết ở bùng binh, đoạn trước ga Sài Gòn

Trước nhà ga xe lửa, bên cạnh bùng binh là một bến xe ngựa (xe thổ mộ) để phục vụ hành khách đi xe lửa, có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn thường dùng câu “ngựa xe như nước” (ở trong truyện Kiều) để mô tả sự sầm uất ở khu vực trung tâm Sài Gòn – nhà ga xe lửa này.

Xe ngựa trước ga xe Sài Gòn

Bến xe ngựa ngay bên cạnh bùng binh

Từ bến xe ngựa nhìn qua bên kia bùng binh là đại lộ Somme (nay là Hàm Nghi)

Ngay bên cạnh bùng binh còn có một công trình khác vẫn còn lại sau hơn 100 năm, đó là trụ sở hỏa xa được xây dựng cùng lúc với chợ Bến Thành, từ đó đến nay vẫn là nơi làm việc của cơ quan quản lý đường sắt:

Xe cộ đông đúc chạy vòng quanh bùng binh, phía bên kia là tòa nhà Hỏa Xa. Góc trên bên trái hình là Nhà thương thí, nay là Bệnh Viện Sài Gòn. Nhà thương này thuộc hàng lâu đời ở Sài Gòn, sau này được gia tộc Chú Hỏa góp chi phí tái thiết sau thời gian bị xuống cấp

Từ bùng binh nhìn qua tòa nhà Hỏa Xa

Một số hình ảnh đẹp của bùng binh và chợ Bến Thành:

Đông Kha – chuyenxua.net