Nối tiếp câu chuyện về những bùng binh nổi tiếng của Sài Gòn xưa, phần 1 và phần 2 đã nhắc đến 2 bùng binh lớn là bùng binh Bồn Kèn và bùng binh trước chợ Bến Thành, ở phần này xin nhắc về một bùng binh nổi tiếng khác, mà có lẽ không có người Sài Gòn nào mà không biết đến, hoặc không từng đi qua, đó là Ngã 6 Phù Đổng.
Thời điểm trước 1975, đây là nơi giao nhau của 6 con đường khác nhau mang tên: Gia Long, Phạm Hồng Thái, Phan Văn Hùm, Ngô Tùng Châu, Lê Văn Duyệt và Võ Tánh. Ngày nay, chỉ còn tên đường Phạm Hồng Thái là tên cũ, còn tên đường Gia Long thành Lý Tự Trọng, Phan Văn Hùm thành Nguyễn Thị Nghĩa, Ngô Tùng Châu thành Lê Thị Riêng, Lê Văn Duyệt thành CMT8, còn Võ Tánh thành Nguyễn Trãi nối dài.
Bùng binh này được hình thành vào thập niên 1910, cụ thế là sau năm 1914, khi chợ Bến Thành được xây dựng xong. Khu vực này trước đó vốn chỉ là một đầm lầy, nhưng sau khi chợ Bến Thành mọc lên thì xung quanh chợ thay đổi rất nhiều, đồng thời đối diện chợ cũng được xây nhà ga xe lửa, bên cạnh ga xe lửa thì nhiều đường mới được mở ra, trong đó có các đường ở khu vực ngã 6 này.
Trước thời điểm chợ Bến Thành được xây, cụ thể là từ cuối thế kỷ 19, nơi này chỉ là ngã 4 đường, giao của 4 con đường khác nhau, đó là đường Thuận Kiều (sau 1916 mang tên Verdun, năm 1947 đổi thành Nguyễn Văn Thinh, đến năm 1955 lại đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt, nay là đường CMT8). Đường thứ 2 là Rue de la Grandiere (sau 1950 là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng), đường thứ 3 là Abattoir (từ 1917 tách ra thành 2 con đường Kitchner và Krantz, nay là đường Nguyễn Thị Nghĩa và Nguyễn Thái Học), và đường cuối cùng là Route Haute de Saigon – Cholon.
Trước khi đại lộ Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo) được xây dựng thì đường Saigon – Cholon là đường độc đạo nối 2 thành phố lớn là Sài Gòn và Chợ Lớn. Đến năm 1922 đường này đổi tên thành Frere Louis, đến năm 1955 đổi tên thành Võ Tánh, sau năm 1975 đến nay mang tên Nguyễn Trãi.
Ngoài ra, từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1915, băng qua ngã tư đường này có một đường ray xe lửa tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, ga ở bên đường Hàm Nghi ngày nay. Sau khi ga xe lửa dời về trước chợ Bến Thành (vị trí ngày nay là công viên 23/9), thì đường ray tuyến xe lửa này được chuyển sang hướng ngày nay là Ngã 6 Cộng Hòa, còn ngã 4 Thuận Kiều – la Grandiere được mở thêm 2 con đường khác bên trên đường xe lửa cũ, đó là đường Lacotte (từ 1955 đến nay là đường Phạm Hồng Thái), và một con đường nhỏ mang tên Phan Thanh Giản (từ 1955 mang tên Ngô Tùng Châu, từ 1985 đến nay mang tên Lê Thị Riêng).
Như vậy, từ năm 1917, sau khi ga xe lửa dời về trước chợ Bến Thành thì khu vực này trở thành ngã 6, cũng là ngã 6 đầu tiên của Sài Gòn, thường được gọi là Ngã 6 Sài Gòn, được hình với những con đường mang tên vào thời điểm đó như sau:
1. Đường Verdun (trước 1916 mang tên Thuận Kiều, năm 1947 đổi thành Nguyễn Văn Thinh, đến năm 1955 lại đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt, từ 1975 đến nay là đường CMT8).
2. Đường la Grandiere (sau 1950 là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng).
3. Đường Route Haute de Saigon – Cholon (Năm 1922 đổi tên thành Frere Louis, đến năm 1955 đổi tên thành Võ Tánh, sau năm 1975 đến nay mang tên Nguyễn Trãi).
4. Đường Krantz [tách từ đường cũ mang tên Abattoir. Sau khi ga xe lửa được xây dựng thì nó cắt giữa đường Abattoir để thành 2 đường là Krantz (sau 1955 mang tên Phan Văn Hùm, nay là đường Nguyễn Thị Nghĩa) và Kitchner (nay là đường Nguyễn Thái Học)].
5. Đường Lacotte (từ 1955 đến nay là đường Phạm Hồng Thái).
6. Đường Phan Thanh Giản (từ 1955 mang tên Ngô Tùng Châu, từ 1985 đến nay mang tên Lê Thị Riêng).
Thời điểm 1955-1975, sáu con đường ở Ngã 6 Sài Gòn mang tên là Lê Văn Duyệt, Gia Long, Võ Tánh, Phan Văn Hùm, Phạm Hồng Thái và Ngô Tùng Châu, như trong bản đồ dưới đây:
Đến năm 1966 thì bùng binh này mới được gọi là Ngã 6 Phù Đổng. Tên gọi này xuất phát từ tượng đài nhân vật huyền thoại Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên Vương) đang cưỡi ngựa, tay nắm thân tre, được binh chủng Thiết giáp dựng lên năm 1966 ở giữa bùng binh.
Cả trước và sau khi tượng đài Thánh Gióng được xây dựng thì phần đế bên dưới (đảo giao thông) đều có hình elip (chứ không phải là bùng binh hình tròn như thông thường). Một điều đặc biệt là trong truyền thuyết, Thánh Gióng chỉ cưỡi ngựa khi đã thành người lớn, nhưng tượng này vẫn thể hiện Thánh Gióng là một trẻ em.
Sau đây, hãy cùng đi một vòng quanh Ngã 6 quen thuộc này để nhìn về những dấu tích xưa:
Cách đặt tên đường của người xưa ở khu vực này cũng mang nhiều ý nghĩa. Từ con đường Gia Long đi ngang qua dinh Gia Long (dinh này do quốc trưởng Bảo Đại đặt tên) đâm ra ngã 6 Phù Đổng, nơi có những con đường mang tên những mãnh tướng khai quốc công thần, đã theo phò trợ chúa Nguyễn Ánh lên ngôi thành Gia Long trong những thời gian khó khăn nhất, đó là Lê Văn Duyệt, và Võ Tánh – Ngô Tùng Châu.
Xưa kia Ngô Tùng Châu lúc nào cũng theo kề cận dũng tướng Võ Tánh, bao phen cùng nhau vào sinh ra tử. Năm 1801, chỉ 1 năm trước khi Nguyễn Ánh thống nhất được giang sơn, Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu cầm chân quân Tây Sơn ở Bình Định để chúa Nguyễn Ánh ra đánh Phú Xuân (Huế), hai ông đã bị Trần Quang Diệu vây hãm ở thành Bình Định suốt 14 tháng, rồi cuối cùng đành bị thúc thủ vì đã bị chặn mọi đường tiếp viện. Võ Tánh đã sai người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư, nội dung là xin được tha cho toàn bộ binh sĩ, rồi cùng với Ngô Tùng Châu tuẫn tiết tại thành. Cảm động trước sự trung dũng của 2 tướng giữ thành của phe đối địch, Trần Quang Diệu sai người tẩm liệm hai ông tử tế, rồi y theo lời yêu cầu của Võ Tánh, tha cho toàn bộ hàng binh nhà Nguyễn về với gia đình.
–
–
–
–
–
–
–
–
–
Phan Văn Hùm là một trong những con đường ngắn nhất của trung tâm Sài Gòn xưa, đặc biệt hơn, nó còn là một bến xe đò liên tỉnh. Phan Văn Hùm chỉ kéo dài từ ngã 6 Phù Đổng tới đường Lê Lai, sát bờ rào của ga xe lửa cũ. Thập niên 1980, ga xe lửa Sài Gòn được dời về ga Hòa Hưng, còn nhà ga cũ được giải tỏa để thành công viên 23/9, khi đó đường Phan Văn Hùm (đổi tên thành đường Nguyễn Thị Nghĩa) sẽ chạy thông qua bên kia để nối vào đường Nguyễn Thái Học. Như đã nói ở phần trước, trước khi ga xe lửa được xây dựng ở khu vực này thì 2 con đường này vốn là 1 con đường mang tên Abattoir, sau khi bị chia cắt thì đến nay 2 con đường lại nối liền với nhau giống như thời điểm trước năm 1915.
Xin nói thêm về nhân vật Phan Văn Hùm được đặt tên từ năm 1955 đến 1985. Ông là nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng, và là lãnh tụ phong trào Cộng sản Đệ Tứ tại Việt Nam, hoạt động cùng với Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu… Phan Văn Hùm từng bị Pháp giam trong Khám Lớn trong vài tháng. Những ngày ở trong tù, ông viết tác phẩm Ngồi tù Khám Lớn, nhà in Bảo Tồn nhận ấn hành, nhưng sách mới ra mắt thì bị cấm (1929). Hiện nay tác phẩm này đã được xuất bản trở lại.
–
–
–
–
Ngày nay, các con đường xung quanh ngã 6 Phù Đổng vẫn cơ bản như xưa, nhưng 5/6 đường đã đổi tên, chỉ còn duy nhất tên cũ đường Phạm Hồng Thái. Ngoài ra xung quanh ngã 6 mọc lên rất nhiều cơ sở thương mại và cửa hàng ăn uống, từ sau thập niên 2010 thì bùng binh ngã 6 Phù Đổng là khu đất vàng nổi tiếng của trung tâm Sài Gòn, tập trung nhiều thương hiệu lớn, nhiều nhất là ở dọc đường Nguyễn Trãi (Võ Tánh xưa).
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn