Lịch sử hình thành và những hình ảnh đẹp nhất của Hồ Xuân Hương ngày xưa ở trung tâm Đà Lạt _vnx

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Đà Lạt là một nơi chốn kỳ lạ, rất gần gũi và thân quen với những ai từng đặt chân tới, là nơi dễ dàng làm cho du khách phải lòng ngay từ lần đầu gặp gỡ. Đà Lạt mang một vẻ đẹp đắm say hiếm nơi nào ở Việt Nam có được, dù cho ngày nay đã mất đi nhiều phần.

Nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nhớ đến hồ Xuân Hương ở ngay trung tâm thị tứ đã tồn tại từ hơn 100 năm trước, là hồ nước tuyệt đẹp, thơ mộng, trữ tình mà cho đến nay nhiều người vẫn tưởng là “hồ tự nhiên”.

Thực tế, đây là hồ nước nhân tạo đã được đào từ thuở Đà Lạt còn hoang sơ, ban đầu chưa có tên gọi mà thường được ghi chung chung là Lac (tiếng Pháp nghĩa là “hồ”), Grand Lac (Hồ Lớn) hoặc Lac de Dalat (Hồ Đà Lạt). Trong nhiều tài liệu tiếng Pháp, hồ nước trung tâm này được ghi rõ là “Le lac artificiel” (dịch nghĩa là hồ nhân tạo).

Năm 1937, một ký giả người Pháp đã viết về Đà Lạt thuở đó và nhắc tới hồ nhân tạo này như sau:

“Ở Đà Lạt, quyết tâm của người Pháp đã tạo ra một thành phố tao nhã và hài hòa, phát triển theo đúng cái cách thức đã biến nó thành một tiểu thương đường thực sự, trong một môi trường của những vườn hoa và cây thông… Khi thiết kế thành phố, chúng ta tránh những tòa nhà phô trương và vô duyên. Khắp mọi nơi, những biệt thự xinh xắn nằm khép mình sau những vườn hoa nhiều màu sắc, những khu vườn đầy các loại hoa có xuất xứ từ châu Âu. Những con đường rộng tráng nhựa và có không gian thoải mái. Trên mặt nước trong trẻo của hồ nhân tạo rộng lớn, những con thiên nga tuyệt đẹp chậm rãi bơi qua…”

Ngay từ 100 năm trước, hồ trung tâm Đà Lạt đã là một điểm nhấn cho xứ sở được xây dựng với mục đích nghỉ dưỡng của người Pháp, và cho đến tận ngày nay, hồ Xuân Hương trở thành một phần không thể thiếu của thành phố này. Nếu như không có hồ Xuân Hương với những làn sương mờ ảo trên mặt hồ trong buổi sớm mai, thì có lẽ Đà Lạt bị mất đi phần nhiều vẻ đẹp lãng mạn và nhiều người yêu mến.

Vào năm 1944, trong một bài phỏng vấn của tạp chí Indochine, tỉnh trưởng tỉnh Lang Bian trong thời gian 1917-1920 là Cunhac cho biết như sau:

“Hồ được hình thành tương đối gần đây. Thực vậy, do sáng kiến của tôi, hồ được làm vào năm 1919, do kỹ sư công chánh Labbé thực hiện. Vào khoảng 1921-1922, theo lệnh của Công sứ Garnier, đập đất cũ chống đỡ con đường đã được nâng cao và kéo dài thêm và năm sau đó, một cái đập thứ hai được xây dựng ở hạ lưu, như vậy hình thành hai hồ nước. Do không có đập tràn (déversoir), cả hai đập bị vỡ do những cơn dông dữ dội của trận bão tháng 5 năm 1932; ngay sau đó chúng được làm lại trong cùng những điều kiện như trước. Con đập bằng đá được xây dựng vào khoảng 1934-1935, xa hơn một chút về phía hạ lưu so với các con đập cũ.”

Tuy nhiên, người đầu tiên có sáng kiến xây dựng một hồ nước giữa trung tâm Đà Lạt không phải là Cunhac. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người phụ trách công chánh ở Đà Lạt là ông Rousselle đã trình bày dự án này cho công sứ Phan Rang là Odend’hal (vào năm 1902, Đà Lạt vẫn trực thuộc tỉnh Phan Rang, đến năm 1916 thì tỉnh Lang Bian mới được thành lập, cùng lúc với thị tứ Đà Lạt).

Đà Lạt thập niên 1920, cách đây 100, khi đang được xây dựng

Sau đây là thông tin về việc đào hồ đăng trên tập san Sử Địa 23-24 năm 1971 – Đặc khảo Đà Lạt.

Kiến trúc sư Louis-Georges Pineau – tác giả của Đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt năm 1933 – đã đánh giá tầm quan trọng của hồ nước này như sau:

“Hồ nước là trung tâm và là sức hấp dẫn của Đà Lạt. Không có hồ nước thì khi đi ngang qua thành phố, thung lũng Cam Ly chỉ là một vùng trũng sình lầy. Baguio – trạm nghỉ dưỡng vùng cao của Philippines, đã hiểu quá rõ tầm quan trọng của nước trong một phong cảnh miền núi và trong một thành phố nghỉ dưỡng, nhưng đành phải bằng lòng với Công viên Burnham (Burnham Park) của một bồn trũng hình chữ nhật – thua xa vẻ đẹp của Hồ Đà Lạt.

Hồ Xuân Hương hình thành một phần từ năm 1919, tại nơi vốn là một vùng đầm lầy có dòng sông Cam Ly (người dân quen gọi là suối Cam Ly) chảy qua. Sông Cam Ly là một phụ lưu của sông Đa Dâng (Đa Dâng là thượng nguồn của sông Đồng Nai). Trên dòng Cam Ly đi qua có nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt, ngoài hồ Xuân Hương còn có hồ Than Thở, thác Cam Ly và thác Voi. Trước khi hồ được đào, vùng đầm lầy này là nơi mọc nhiều có lác để dệt chiếu, và là ruộng lúa của người Lạch sản xuất ven dòng Cam Ly. Ở gần ngay đó là một buôn của người Lạch.

Các kỹ sư công chánh đã xây đập nước để ngăn dòng Cam Ly và đào rộng ra để thành một hồ lớn ở chính giữa Đà Lạt. Ruộng lúa vốn nằm trong lòng hồ, nên người Lạch phải dời đến buôn Rơhàng Kròc (người Pháp phiên âm là Ankroet). Sau đó, khi xây dựng đập Suối Vàng, người Lạch lại phải dời đến buôn Đờng Tiang Đe ở trung tâm huyện Lạc Dương hiện nay.

Hồ Lớn thời điểm năm 1923, chỉ được hình thành một phần bên phải, trước khi mở rộng qua hướng bên trái

Năm 1923, hồ được mở rộng thêm và xây thêm một đập nước thứ 2 ở phía dưới tạo thành 2 hồ. Tháng 3 năm 1932, một cơn bão lớn làm bể cả 2 đập nước làm cho tràn hồ, gây thiệt hại thảm khốc về người.

Trận lụt làm bể đập năm 1932, nước tràn hồ

Vì vậy đến năm 1934 – 1935, một kỹ sư người Việt là Trần Đăng Khoa thiết kế và xây dựng một đập lớn bằng đá: đó là cầu ông Đạo ngày nay.

Đập Ông Đạo, nay là cầu Ông Đạo

Đập nước nằm trước Dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo (tương đương với vị trí chủ tịch của địa phương) nên được dân địa phương gọi là “ông Đạo”, và khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là “Cầu Ông Đạo” cho đến tận ngày nay.

Cầu Ông Đạo thập niên 1950

Ông Quản Đạo thời điểm đó là Trần Văn Lý, sau 1955 trở thành lực lượng đối lập với tổng thống Ngô Đình Diệm, từng ra ứng cử tổng thống vào năm 1967.

Thảm kịch vỡ đập và lũ lụt năm 1932 đã đẩy nhanh tiến độ mở rộng hồ và nạo vét lòng hồ, đồng thời một câu lạc bộ du thuyền được thành lập trên hồ trong thời gian này, mang tên “La Grenouillère”, dịch nghĩa là Đầm Ếch, vì nó có hình dáng tựa một con ếch, cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Đây là công trình nổi bật gắn liền với hồ Xuân Hương vẫn còn cho đến nay và được người dân gọi là Thủy Tạ.

Hồ Lớn và La Grenouillère

Sau đó, do nhiều nguyên nhân nên phong trào thể thao bơi lội ở Đà Lạt không phát triển được, Câu lạc bộ được giao thầu khai thác như một quán giải khát nhỏ.

Sau 1975, Nhà Thuỷ Tạ trở thành một nhà hàng nhỏ dưới sự quản lý điều hành của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Công trình kiến trúc Nhà Thuỷ Tạ luôn được tô điểm với màu vôi trắng nổi bật trên nền xanh của mặt nước hồ Xuân Hương, đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt.

Trước nhà Thuỷ tạ là một vườn hoa nhỏ (ngày xưa gọi là vườn hoa Tao Đàn) với nhiều loài hoa đẹp, trong đó có một trong những cây phượng tím (Jacaranda acutifolia) xưa nhất trồng từ năm 1960.

Hình ảnh đầu thập niên 1930, khi chưa có Thủy Tạ

Những ngày đầu khi phố thị Đà Lạt được hình thành, một khu người Việt được quy hoạch ở sát hồ, về phía Đông, nhằm nằm tách biệt với khu vực người Âu châu. Cả một thời kỳ, hồ Xuân Hương (lúc này được gọi là Hồ Lớn) đóng vai trò như là một sự phân cách người An Nam đối với người Âu Châu, trong chủ trương phân định, tách biệt dân cư của những người kiến tạo nên Đà Lạt vào lúc đó.

Tên gọi hồ Xuân Hương chỉ được gọi từ năm 1953, người đặt tên cho nó là chủ tịch hội đồng đặt tên đường (thuộc Hội đồng thị xã Đà Lạt) lúc đó là Nguyễn Vỹ đặt, với ý nghĩa là hương của mùa xuân. Chính ông Nguyễn Vỹ cũng là người đặt tên cho Thung Lũng Tình Yêu khi nhận thấy nơi đó có được nhiều đôi tình nhân ưa thích, thường cùng nhau hò hẹn. Nguyễn Vỹ là tên nhà văn – nhà thơ, nhà báo nổi tiếng từ thập niên 1930-1940. Ông cũng là người đề xướng đổi tên nhiều con đường ở Đà Lạt từ tên Pháp sang tên Việt Nam, vào thời điểm Đà Lạt trực thuộc Hoàng Triều Cương Thổ. Ngoài hồ Xuân Hương, Thung Lũng Tình Yêu, ông Nguyễn Vỹ cũng đã đặt tên cho hồ Than Thở (người Pháp gọi là Lacdes Soupirs, nghĩa là tiếng gió thổi vi vu).

Tên gọi hồ Xuân Hương trùng với tên của nữ thi sĩ nổi tiếng, nên nhiều người nghĩ rằng có sự liên quan khi đặt tên, nhưng không có thông tin xác thực nào được ghi chép lại.

Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt đã trải qua nhiều lần sửa chữa vào các năm: 1947, 1953, 1979, 1984, 1996.

Lần sửa chữa năm 1984, đáy hồ được nạo vét chủ yếu bằng thủ công và gia cố xi phông. Từ năm 1996, hồ Xuân Hương được tôn tạo theo dự án gồm 4 hạng mục chính: Sửa chữa gia cố công trình xi phông tháo lũ kết hợp với cầu giao thông; Nạo vét hồ bằng phương tiện cơ giới, khôi phục diện tích mặt nước và dung tích hồ; Tôn tạo bờ hồ chống sạt lở, xây dựng các vườn hoa nhỏ, đường đi dạo quanh hồ; Xây dựng 4 hồ chứa ngăn chặn bồi lắng và chống ô nhiễm nguồn nước.

Vào mùa nắng, mặt hồ Xuân Hương trong xanh, phẳng lặng, nhưng vào mùa mưa, thỉnh thoảng nước đỏ ngầu do phù sa các dòng suối chảy về.

Hiện nay, Hồ Xuân Hương rộng 38ha, có độ sâu trung bình 1,5m, nằm trên độ cao 1478m so với mực nước biển, là nơi mà hầu như du khách nào đi Đà Lạt cũng ngang qua vài lần.

Một số hình ảnh hồ Xuân Hương qua các thời kỳ:



chuyenxua.net biên soạn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *