👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Lon Guigoz (lon gô) là vật dụng quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của nhiều người từ trước 1975 cho đến những năm 1980.
Khi nhìn lại những nhìn ảnh này, có thể là sẽ có cả một bầu trời kỷ niệm ập về đối với những người ở lứa tuổi ngũ tuần trở lên. Có nhiều nơi đọc trại tên cái lon gô – guigoz thành mi-gô, bi-gô, li-gô, nhưng đều là tên gọi của một vật dụng đã gắn bó nặng tình nặng nghĩa với cuộc sống thường ngày của hầu hết người Miền Nam hơn nửa thế kỷ trước.
Lon guigoz như là một huyền thoại trong ký ức của mọi người, thay vì gọi là “cái lon”, người ta gọi luôn là “cái gô”, thí dụ: mang gô cơm lên rừng…
Lon sữa Guigoz có cấu tạo bằng nhôm (chứ không bằng thiết như các lon sữa hiện nay) của hãng Nestle Thụy Sĩ, được sản suất tại Pháp, Hòa Lan, và theo chân người Pháp nhập vào Việt Nam từ trước năm 1954, nhưng nhiều nhất là từ sau năm 1955 ở miền Nam.
Có hai loại sữa Guigoz, loại trắng cho trẻ sơ sinh, và loại màu vàng cho tuổi từ một năm trở đi. Ưu điểm của sữa guigoz là dễ pha, không bị vón cục nên không phải nghiền trong nước lạnh trước rồi mới châm nước sôi như nhiều loại sữa khác. Sáng chế loại sữa tươi thành bột này được đặt theo tên của ông Maurice Guigoz (qua đời năm 1919).
Từ khi ra đời, sữa Guigoz được ưa chuộng ở nhiều nước, riêng tại Sài Gòn thì các nhà nhập cảng sữa đã quảng cáo là “Guigoz nổi tiếng trên hoàn cầu vì bào chế theo phương pháp sấy khô tối tân như sữa mẹ mau tan trong nước. Trẻ em nuôi bằng sữa Guigoz mau lớn chóng biết đi răng mọc đúng kỳ”.
Sữa Guigoz nhanh chóng phổ biến ở Sài Gòn đến nỗi hầu như gia đình trung lưu khá giả nào có con nhỏ cũng mua, và những chiếc lon nhôm, dày dặn, với dung tích 0.75 lít, có chiều cao 18cm, đường kính 8cm, có sọc ngang, bên trong có sẵn muỗng nhựa để đo lường khi pha sữa. Đặc điểm của vỏ lon gô là bền, không rỉ sét, nắp đậy kín nhưng dễ mở, thường được các bà nội trợ cất giữ để đựng thực phẩm ở trong bếp, trừ muối, nó có thể đựng đường, ớt, tiêu hành hay các thức ăn khô.
Tại Hà Nội cũng có sữa guigoz, nhưng ít và hiếm quý hơn, và chỉ có trước năm 1954. Sau năm 1954 thì sữa Guigoz không còn được nhập vào miền Bắc nữa, nhưng ở miền Nam vô cùng phổ biến và hầu hết em bé con nhà khá giả thời đó đều được uống loại sữa này.
Ngày nay, hẳn là những người đã ở tuổi xấp xỉ 60-70, từng là “em bé” của ngày xưa, vẫn còn nhớ cái cảm giác béo ngậy, thơm ngát của bột guigoz được tan chảy ngay khi đưa vào miệng.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là điều làm người ta nhớ nhất về sữa guigoz, không phải là hương vị của nó ra sao, mà là sự tiện dụng của lon guigoz sau khi đã uống hết bột sữa. Bởi vì bột sữa chỉ có em bé (nhà khá giả) mới được uống, còn cái “lon gô” thì gắn bó với tất cả mọi người, từ già tới trẻ, từ nhà nghèo đến nhà giàu.
Hồi xưa, con nhà nghèo ở nông thôn thường không được uống sữa Guigoz, mà chỉ uống sữa đặc hoặc là nước gạo bỏ tí đường. Nhưng vỏ lon Guigoz thì nhà nào cũng có, đặc biệt là nhà nghèo, để làm vật dụng cần thiết vì tính đa dụng của nó. Các nhà giàu có nhà còn dùng lon guigoz để đựng vàng lá. Lon gô không chỉ để đựng đồ, mà nó còn có công dụng như một cái nồi để nấu tiện dụng.
Lon gô có thể giữ được ấm, nên cha hoặc anh chị thường bới cơm mang đi làm. Nó cũng giữ lạnh tuyệt vời nên cũng có thể mang đựng nước uống lạnh, cà phê để mang đi công sở. Lon cấu tạo dài, chứ không cạn như các lon khác, nên đựng được nhiều nước, khi cần uống là mở nắp ra uống luôn, không cần rót ra ly mà không sợ bị tràn hoặc đổ. Ngoài ra nắp cũng đậy rất kín, không bị rò nước hoặc thức ăn, nhưng khi cần mở thì cũng rất dễ dàng, không bị xiết chặt.
Từ năm 1965 trở về sau, miền Nam đã nhập cảng nhiều loại sữa bột khác dành cho trẻ em, nhưng chiếc lon sữa Guigoz vẫn còn tồn tại trong hầu hết gia đình vì nó bền, chắc, khó móp méo hay hư hỏng.
Sau năm 1975, sữa Guigoz không còn được nhập cảng, và cái vỏ lon của nó trở nên quí giá và thông dụng với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội miền Nam. Những người tù cải tạo có lon gô trong các sinh hoạt thường ngày vì nhỏ gọn và tiện dụng. Mỗi sáng sớm, dân làm rẫy hay đi rừng dồn cơm vô lon gô kèm bịch muối mè, rồi đi bộ vài chục cây số làm, trưa lấy gô cơm ra ăn và chiều lại đi bộ về. Vì nắp lon đậy kín, khi bị mưa lỡ để bên ngoài chưa kịp mang vào chòi cũng không bị nước mưa thấm vào. Đối với dân lao động, vỏ lon gô trở thành thân thiết hơn bao giờ hết vì ngày nào đi làm đều kè kè bới theo “gô cơm”. Với người làm công chức, công nhân viên, khi đến cơ quan nhà máy thường mang theo cái lon gô, treo toòng teng trên ghi đông xe đạp. Trong lon gô là cơm, đồ ăn cho buổi trưa, vì thời bao cấp đời sống khó khăn nên cán bộ công nhân viên không dám ăn trưa tại căn tin, và cũng chưa có bếp ăn tập thể. Lúc đó cũng có không ít sinh viên cũng mang lon gô cơm đến trường, sau tiết học trưa cùng nhau ra gốc cây chia sớt từng muỗng thức ăn.
Thật là chỉ có một cái lon sữa thôi mà gợi lại cho người Sài Gòn biết bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên.
Bây giờ sữa Guigoz gần như biến mất khỏi thị trường sữa ngoại tại Việt Nam. Lon gô nay trở thành đồ cổ, vật lưu niệm, là chứng vật của một thời đã qua.
Mời bạn xem thêm một số hình ảnh về “cái gô” huyền thoại này.
Bài: Đông Kha