👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Những ai từng yêu mến nhạc Lam Phương hẳn không thể quên những giai điệu buồn man mác trong ca khúc “Tình Bơ Vơ”:
“Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi
Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng
Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời
Mà tình yêu chưa lên ngôi…”
Click để nghe Chế Linh – Thanh Tuyền hát Tình Bơ Vơ trước 1975
Nhiều người nói rằng, bài hát này được Lam Phương viết cho mối tình đơn phương với danh ca Bạch Yến. Nhưng không chỉ có “Tình Bơ Vơ”, Lam Phương còn dành nhiều ca khúc khác cho cuộc tình này như “Chờ Người”, “Tiễn Người Đi”, “Tình Chết Theo Mùa Đông”…
Trong một buổi trò chuyện, danh ca Bạch Yến kể rằng cô gặp nhạc sĩ Lam Phương tại đài phát thanh Pháp Á trước năm 1954. Khi đó, Bạch Yến mới 10-11 tuổi, vừa đạt giải nhất cuộc thi hát do Pháp Á tổ chức và được đài mời cộng tác. Lúc ấy, Lam Phương vẫn là một nhạc sĩ trẻ, chưa nổi tiếng. Một thời gian sau, khi Lam Phương đã nổi danh với những ca khúc như “Trăng Thanh Bình”, “Nhạc Rừng Khuya” và trở thành một nhạc sĩ tài năng và đào hoa, Bạch Yến không còn hát ở đài phát thanh nữa mà mưu sinh bằng nghề biểu diễn mô tô bay.
Năm 1956, Bạch Yến trở lại sân khấu phòng trà và nổi tiếng vào năm 1957 với bài “Đêm Đông”, khi mới 15 tuổi. Một vài năm sau, Lam Phương mang lễ đến hỏi cưới Bạch Yến, nhưng vì cô còn quá nhỏ, chỉ mới 16-17 tuổi, nên mẹ cô chưa đồng ý. Lúc đó, Lam Phương là một người đẹp trai, nổi tiếng và đào hoa. Năm 1959, ông lập gia đình với nữ ca sĩ – kịch sĩ Túy Hồng khi 22 tuổi.
Bạch Yến tâm sự rằng, mối quan hệ của cô với Lam Phương chưa bao giờ được xem là chuyện tình đúng nghĩa, vì cô còn quá nhỏ, chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng. Nhưng cô cảm mến Lam Phương như một người bạn, như một mối tình học trò trong sáng và không hồi kết.
Khi nghe tin Lam Phương cưới vợ, cô cũng bất ngờ và buồn, một nỗi buồn hụt hẫng của thiếu nữ mới lớn. Nhưng có lẽ tình cảm chưa đủ lớn để cô phải dằn vặt lâu. Hơn nữa, lúc đó, Lam Phương rất bay bướm và đã trải qua nhiều mối tình trước khi thành hôn với Túy Hồng.
Sau khi Lam Phương cưới vợ hai năm, Bạch Yến sang Pháp du học, bỏ lại những vinh quang trong sự nghiệp ca hát. Có nhiều lời đồn đoán rằng, do Lam Phương lấy vợ nên Bạch Yến buồn tình bỏ ra nước ngoài, nhưng cô phủ nhận việc này. Cô muốn đi học thêm để nâng cao khả năng trình diễn và ca hát, mặc dù đã rất nổi tiếng nhưng chỉ hát theo bản năng.
Đầu thập niên 1960, khi Bạch Yến không còn ở Việt Nam, Lam Phương đã viết:
“Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời Mà tình yêu chưa lên ngôi…”
Tình yêu chưa lên ngôi có lẽ vì năm xưa người yêu còn quá bé nhỏ, cuộc tình chưa kịp thành hình. Dù đã yên bề gia thất, nhưng sự lỡ duyên với Bạch Yến đã làm Lam Phương nuối tiếc khôn nguôi và sáng tác nhiều bài hát dành cho cô. Túy Hồng, vợ Lam Phương và bạn của Bạch Yến, sau này cũng nói: “Bồ không biết đầy thôi, ổng viết cho bồ nhiều ca khúc thiết tha lắm”.
Trong những câu hát như “Anh đâu hay tình ta gian dối”, nhiều người nghĩ cô gái trong bài hát phụ tình chàng trai. Nhưng phải chăng đây là lời nhạc sĩ tự trách mình? Trong một bài hát khác, Lam Phương tự nhận mình là kẻ bạc tình: “Mười năm trời chẳng thương mình, để anh thành kẻ bạc tình” (bài “Chờ Người”).
Sau này, Bạch Yến bước phong trần tha hương lưu diễn khắp thế giới. Năm 1964, cô được mời lưu diễn ở Mỹ và nhiều nước khác hơn 10 năm. Trong một bài phỏng vấn, Bạch Yến tâm sự:
“Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được. Buồn lắm”.
Lam Phương viết:
“Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa…”
Bài hát này là nỗi lòng tiếc nuối của người trai, tự trách mình đã làm lỡ mối duyên tình:
“Anh đâu ngờ có ngày đàn đứt dây tơ
Một phút tim anh ơ hờ
Trọn kiếp em vương sầu nhớ…”
Trong một bài viết, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nói về các bài hát Lam Phương sáng tác dành cho Bạch Yến:
“Hồi thập niên 1970, nghe những bài này, tôi đâu hiểu tại sao tác giả lại viết toàn những lời chia ly như vậy! Mãi 20 năm sau, gặp Lam Phương năm 1993 ở Paris, anh mới giải thích là những lời ấy anh nói với Bạch Yến khi Bạch Yến giã từ Sài Gòn quay lại Mỹ. Tôi cười bảo anh:
– Như thế thì anh và tôi và tất cả thính giả đều phải cám ơn Bạch Yến đã bỏ anh đi lần thứ hai, anh mới có những nhạc phẩm này. Giá như Bạch Yến ở lại, chưa chắc anh đã giải quyết được gì!”