Lịch sử môn đua ngựa ở Sài Gòn và ký ức về trường đua Phú Thọ lớn nhất Châu Á một thời _sgx

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Trường đua Phú Thọ được người Pháp xây năm 1932, sau đó trở thành nơi mà giới mê trò đỏ đen thường xuyên lui tới.

Môn đua ngựa được người Pháp du nhập vào Sài Gòn từ những năm đầu ngày sau khi chiếm được 3 tỉnh Nam kỳ đầu tiên. Khi đó họ đã cho thành lập một bãi bắn trọng pháo, kèm theo đó là trường đua ngựa ở vùng Mả Ngụy, Đồng Tập Trận cũ thời nhà Nguyễn, là nơi không có nhà dân. Việc tập bắn trọng pháo thì lâu lâu mới có, nên nơi này là địa điểm tốt để tổ chức đua ngựa giải trí, trả tiền thuê lại của bên pháo binh.

Vị trí trường đua vùng Mả Ngụy đó nằm ở góc ngã tư đường lúc đó mang tên là Thuận Kiều – Bà Rịa (sau này 2 đường này đổi tên thành Verdun và Le grand de la Liraye, sau 1955 là đường Lê Văn Duyệt – Phan Thanh Giản, còn nay là tên đường Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ). Trường đua này ứng với vị trí của Bộ tư lệnh TpHCM ngày nay.

Trường đua ngựa cũ ở đồng Mả Ngụy được người Pháp gọi là Champ de Courrses, có hình bầu dục, hai đầu bằng nhau, nằm theo hướng Bắc-Nam, cửa nằm phía đường Thuận Kiều (nay là CMT8).

Trong lần đua đầu tiên năm 1864, các quan lại người Pháp đến dự với xe song mã hoặc ngồi cáng có lính khiêng. Nhiều kẻ tò mò vào trường đua xem, chia nhau ngồi trên các đám mồ vô chủ của Mả Ngụy. Trong cuốn Bến Nghé Xưa, nhà văn Sơn Nam kể rằng lúc này các nài ngựa người Việt mặc áo dài đen, đầu chít khăn đen, cưỡi loại ngựa nhỏ con.

Hình vẽ cảnh đua ngựa ở trường đua cũ năm 1866

Buổi đua ngựa đầu tiên của Tây ở Đông Dương này được báo Courrier de Saigon tường thuật như sau (dịch từ bài Pháp ngữ):

Từ ba giờ, tất cả các con đường đi từ Chợ Lớn, Sài Gòn hoặc các làng lân cận trở ra cánh đồng Mồ Mả (Plaine des Tombeaux), đầy đám đông người có vẻ lăng xăng và náo nhiệt; người ta thấy giữa đám bụi mù vì đám đông của các đoàn tùy tùng và các kỵ mã, một quang cảnh hỗn độn những dân về người An Nam, những viên quan ngồi trên kiệu sang trọng có người hầu mang trầu cau, những người Cam Bốt khiê tốn hơn trong các xe bỏ của họ. Những người An Nam cưỡi ngựa, ăn mặc trịnh trọng, ngựa nhỏ con mang lục lạc và thắng yên sang trọng, tất cả đều mang rõ màu sắc địa phương, bên cạnh các xe thắng ngựa với dây cương lớn hoặc theo kiểu thắng xe 4 ngựa theo cặp, khai trương lần đầu tiên ở Sài Gòn với những con ngựa An Nam nhỏ rất hăng. Mỗi người ngồi vào chỗ của mình ở giữa trường đua ngựa, trên đường pít, trên mả mồ, chung quanh các khán đài, lần lần có nhiều phụ nữ thanh lịch, nhiều người ngoại quốc, công chức và các khoa mục của thuộc địa.

Hình ảnh ở trường đua ngựa cũ những năm đầu thế kỷ 20:

Ban đầu, môn đua ngựa chỉ là hình thức giải trí của giới sĩ quan Pháp ở Sài Gòn, dần dấn nó thành nơi để dân mê đỏ đen đặt cược, có nhiều người tán gia bại sản. Môn đua ngựa chính thức được hợp thức hóa bằng luật về đua ngựa ban hành ngày 2/6/1891, sau đó Nghị định ngày 19/4/1906 của Toàn quyền Đông Dương cho phép luật này trên toàn cõi Đông Dương.

Trong cùng năm 1906, thương gia người Pháp Jean Duclos đem loại hình đua ngựa từ quê nhà sang kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, tổ chức đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò đua ngựa của Duclos đã tạo cơn sốt khi có gần 200 cuộc đua chỉ trong vòng nửa năm, mang về cho thương gia này rất nhiều tiền.

Cũng tại trường đua ngựa cũ này, vào ngày 10/12/1910, lần đầu tiên người Sài Gòn được chứng kiến cảnh một cỗ máy biết bay. Khi đó phi công người Bỉ – Pháp là Van den Born đã điều khiển chiếc Farman II cất cánh bay lượn trên bầu trời Sài Gòn và vùng lân cận trước 150.000 người (con số của báo chí đương thời) chứng kiến, chiếm phần lớn dân số Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó.

Van den Born bay ở trường đua ngựa cũ Sài Gòn

Đên năm 1912, Hội Kỵ Mã Sài Gòn (Cercle Hippique Saigonnais) được thành lập, cơ sở đặt tại nơi ngày nay là Nhà thi đấu Nguyễn Du, từ đó môn đua ngựa đi vào quy củ hơn, Hội Kỵ Mã có vai trò quản lý tất cả hoạt động, từ việc nhập ngựa giống và tổ chức các cuộc đua cũng như về mặt tài chính.

Hội Kỵ Mã Sài Gòn nhìn bên hông đường Ngyễn Du năm 1966

Khi xảy ra chiến tranh Thế giới lần I (1914-1918), trường đua ngựa tạm ngưng hoạt động cho đến năm 1920.

Xem đua ngựa vào thập niên 20 của thế kỷ 20

Đến năm 1932, nhận thấy người Việt ở khắp Nam kỳ lục tỉnh rất máu me môn này, Hội Kỵ Mã Sài Gòn quyết định mua lại khu đất rộng hơn 44 ha ở làng Phú thọ để xây trường đua mới, khánh thành ngày 6/3/1932, phí tổn hết một triệu đồng Đông Dương, phải mất tới 7 năm thì Hội Kỹ Mã mới trả xong hết số tiền này.

Sự kiện này được báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 17/4/1932 tường thuật như sau (xin giữ nguyên văn phong, chính tả được in trong báo thời đó):

Cái trường đua ngựa củ, ở đường Verdun (Saigon) lập ra mấy mươi năm nay như ai ấy đều biết, ngày nay nó đã hóa ra củ kỷ chật hẹp, không xứng đáng một cái trường đua của địa-phương Chợlớn – Saigon nữa, bởi vậy hội đua ngựa đã cất một cái trường đua mới trong Chợlớn, trên sân máy bay Phú-Thọ hồi trước.

Ngày chúa-nhựt 6 Mars 1932 nhơn có độ hội Grand Prix de Saigon và xổ số Cash Sweep nên hội đua ngựa đã làm lể lạc hành trường đua mới Phú-Thọ, có quan Thống đốc Namkỳ, các quan văn vỏ tây nam và bá tánh đến chứng kiến đông lắm. Từ nầy về sau người ta sẻ đua ngựa tại trường đua mới nầy, chớ không đua ở chổ củ nửa.

Trên báo Sài Gòn, số ra ngày đầu năm: 1/1/1944, sự kiện này cũng được nhắc lại như sau:

Sáng kiến lập trường đua Phú-thọ

Sau bao nhiêu năm cải-cách, hội đua ngựa mỗi ngày mỗi phát đạt. Nài có, ngựa đua đũ, người coi đông. Lúc bấy giờ ông L.Gay làm hội-trưởng, ông cho cái trường-đua ở Hòa-hưng không được hoàn-mỷ, và lại đất của nhà binh, nên ông mới có sáng-kiến lập trường đua khác ở một chỗ rộng rải lớn hơn.

Trường đua Phú-thọ lập năm 1932 là nhờ đó. Lễ khánh-thành nhằm ngày 6 Mars 1932. Sự tổn phí cất trường đua có ngót một triệu đồng. Cuối năm 1939, Hội đua ngựa mới trả tất được số nợ ấy.

Đọc qua mấy giòng lịch sữ về trường đua ngựa nầy chắc cũng như tôi, các bạn sẻ có một vài cảm-tưỡng.

Quang cảnh trường đua ngựa trước kia buồn tẻ lộn xộn chừng nào! Quang cảnh trường đua ngựa ngày nay vui vầy đồ sộ chừng nào!

Nó trải qua ba giai đoạn:
– Khi đầu là đễ giải trí;
– Đoạn giữa là đễ khuyến lệ sự đúc giống ngựa;
– Bây giừo là chổ đánh cá hơn thua bạc vạn…

Cuộc đời hay, dỡ, thạnh, suy là thế thế.

TRƯƠNG-BÃO

Ngày khánh thành trường đua Phú Thọ, ban tổ chức có mở cuộc xổ số ngựa đua (Cash sweep) theo thể thức bắt thăm, ai bắt trúng số con ngựa đua về nhứt thì được thưởng độc đắc. Số tiền thưởng được tính theo tỷ lệ 25% số tiền bán thăm. Các cuộc đua ngựa theo đúng điều lệ là phải được tổ chức tại trường đua Phú Thọ. Vì thế, thời đó các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, người đến trường đua rất đông, nhiều người đã sạt nghiệp vì “cá ngựa”.

Trong tác phẩm “Ăn theo thuở ở theo thời”, viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.

“Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm”.

Trường đua ngựa Phú Thọ được coi là điểm vui chơi giải trí hàng đầu ở Nam kỳ. Các cuộc đua ngựa được tổ chức ở đây với các cự ly khác nhau. Một số cự ly cơ bản là 800m, 1000m, 1200m, 1700m, 24000m và 3000m.

Không chỉ nổi tiếng về sự sang trọng, trường đua còn đứng đầu về quy mô. Đây được coi là một trong những đường đua lớn nhất ở châu Á thời đó. Vào những ngày đua, khán giả gần như lấp đầy khán đài. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em háo hức đến xem đua ngựa. Các cuộc đua ở đây rất khốc liệt và thú vị.

Ngồi như chim trên hàng rào trường đua Phú Thọ để xem đua ngựa

Dân cá cược ở trường đua được gọi là “tuyệt phích” (tức “turfiste”: tiếng Pháp, nghĩa là dân cá ngựa). Trước khi cuộc đua bắt đầu, các “nài lang” dắt ngựa vài vòng chào khán giả, cho dân cá cược so chân. Nài ngựa không được nặng quá 40 kg, mặc đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lì và kinh nghiệm trận mạc. Khi lượt đua bắt đầu, nài oai phong với áo màu, quần trắng… cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về trước. Chỉ trong vòng hơn một phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân “tuyệt phích”, chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao.

Các tờ thông tin số trận tham gia, thành tích của ngựa được bán nhan nhản cho dân “tuyệt phích” ở lối vào trường đua, nhằm lựa chọn con mà mình ưng ý để cược.

Sau năm 1954, trường đua được giao cho một người Việt là ông Bùi Duy Tiên quản lý. Vào những năm 1960, Ban điều hành trường đua Phú Thọ còn tổ chức các lớp “nài lang” cho thanh thiếu niên, mỗi lớp tuyển khoảng 20 nài ngựa giỏi. Các lớp huấn luyện này do những “nài lão” giàu kinh nghiệm đứng ra truyền đạt một cách kỹ lưỡng về văn hóa luật lệ đua ngựa, kỹ thuật cỡi ngựa…

Trong lễ tốt nghiệp, các “nài” phải đến miếu trong trường đua để tuyên thệ thi hành đúng lương tâm nghề nghiệp khi đã leo lên lưng ngựa. Thời đó ngựa đua ở Trường đua Phú Thọ được chia làm 4 hạng: A, B, C và D. Mỗi hạng gồm ngựa 3, 4 tuổi và lớn hơn. Mỗi năm ngựa sẽ được đo và xếp hạng lại. Một con ngựa đua tốt phải đạt đúng tiêu chuẩn như lông mượt, cằm rộng, ngực nở, chân tay thẳng, móng đứng. Khi còn trường đua, người ta thống kê có khoảng 1.200 con ngựa tham gia đua. Tính cả ngựa giống, ngựa đẻ và ngựa con thì đàn ngựa đua ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận khi ấy vào khoảng 4.000 con.

Mổ số hình ảnh trường đua Phú Thọ xưa:

Trường đua Phú Thọ hoạt động đến năm 1975 thì ngưng, đến ngày 11/3/1989, Trường đua Phú Thọ được phục hồi dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, đến năm 2004 thì bắt đầu hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã để nâng cấp trường đua và quản lý hoạt động đua ngựa, lợi nhuận cho thành phố bình quân mỗi năm 24 tỉ đồng.

Một chi tiết cần nói, đó là ngựa đua chủ yếu ở trường đua Phú Thọ thời kỳ này là ngựa cỏ (chiếm 2/3), rất nhỏ con, chỉ cao dưới 1,3m (tính từ lưng xuống đất) và nặng không quá 250kg. Vì thế, nài điều khiển ngựa cỏ cũng phải nhỏ, không được quá 38kg. Chỉ trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, thậm chí phải là trẻ hơi bị suy dinh dưỡng hoặc phải áp dụng các biện pháp hết sức khắc nghiệt để giảm cân mới đáp ứng được yêu cầu này.

Tính đến năm 2009, có khoảng 900 con ngựa tham gia đua ở Phú Thọ và trên 40 nài điều khiển ngựa, hầu hết là trẻ em dưới 16 tuổi. Trong năm đó, UBND TpHCM ra quyết định cấm đưa trẻ em làm nài ngựa vì vi phạm Luật chăm sóc, bảo vệ & giáo dục trẻ em. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân làm cho trường đua Phú Thọ phải đóng cửa chỉ 2 năm sau đó.

Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP.HCM, Trường đua Phú Thọ được chuyển đổi để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao TP.HCM, khu trường đua cũ bị bỏ hoang.

Một số hình ảnh trường đua ngựa Phú Thọ cách đây hơn 20 năm, lúc vừa mới mở cửa trở lại: (hình ảnh của nhiếp ảnh gia Patrick Aventurier)

chuyenxua.net biên soạn

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *