👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Những cái tên như Công trường quốc tế, công trường Mê Linh, công trường Diên Hồng, công trường Lam Sơn… vốn rất quen thuộc với người Sài Gòn xưa. Đó là những khoảng đất công nhỏ hơn nhiều so với công viên, nhưng cũng là mảng xanh đủ để tô điểm cho khu vực trung tâm của đô thành, thỉnh thoảng có thêm những hàng ghế đá nhỏ để người Sài Gòn có thể tạm dừng chân bước mỏi (như là Công trường Quốc Tế, công Trường Mê Linh…)
Đặc biệt, cách đặt tên cho các công trường này cũng rất ý nghĩa. Ví dụ như công trường Diên Hồng nằm trước Hội Trường Diên Hồng, nằm giữa Bến Chương Dương và Bến Bạch Đằng, đều là những cái tên gắn liền với đời nhà Trần thời chiến thắng quân Nguyên Mông. Công trường Mê Linh mang cái tên gắn liền với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, là giao điểm của đường Hai Bà Trưng với đường Thi Sách. Còn công trường Lam Sơn nằm ở đầu đại lộ Lê Lợi thì được mang cái tên gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.
Công trường Lam Sơn nằm ở một vị trí đặc biệt, ngay trung tâm của đô thành, xung quanh là 3 con đường phồn hoa nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn từ thuở sơ khai là Charner – Bonard – Catinat, sau đó tên đường đổi thành tên Việt là Nguyễn Huệ – Lê Lợi – Tự Do.
Những tên đường này được đặt từ năm 1955 khi nền đệ nhất cộng hòa được thành lập, đi cùng với đó thì công trường này cũng được đặt tên là Lam Sơn. Còn thời gian trước đó, phần đất trống ở phía trước Opera House này mang tên là Place Francis Garnier, đặt theo tên một nhà thám hiểm, đồng thời là một sĩ quan người Pháp đã chỉ huy đánh chiếm Hà Nội năm 1873.
Từ năm 1910, chính quyền Pháp đã cho đặt bức tượng của Francis Garnier tại đây cho đến năm 1955 thì bị dời đi, như bạn có thể thấy ở trong tấm hình bên trên.
Từ sau thời đệ nhất cộng hòa, một bức tượng có hình 2 binh sĩ TQLC được đặt ở chính giữa công trường Lam Sơn. Công viên bên trong công trường này cũng được gọi là công viên Lê Lợi, như trong tấm hình bên dưới có thể hiện.
Một số hình ảnh tượng đài bên trong Công trường Lam Sơn:
Xung quanh công trường Lam Sơn có những tòa nhà nổi tiếng nhất của Sài Gòn, như là Continental Palace, Opera House, Caravelle Hotel, Cư xá Eden, Thương xá TAX, REX Hotel, Tòa Đô Chánh.
Công trường Lam Sơn nằm ngay phía trước Nhà hát lớn nhất Sài Gòn suốt 100 năm qua, ban đầu có tên Pháp là Théâtre municipal de Saïgon, người Việt gọi là Nhà hát Tây. Giai đoạn 1955-1963, Nhà hát được cải tạo lại thành Trụ sở Quốc Hội. Sau khi Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, Quốc hội giải tán nên tòa nhà này mang tên là Nhà Văn Hóa, trước khi trở thành Hạ Nghị Viện của Đệ nhị Cộng Hòa giai đoạn 1967-1975.
Sau đây là những hình ảnh công trường Lam Sơn phía trước Nhà hát:
Một số hình ảnh Công trường Lam Sơn nhìn từ phía Nhà hát và đường Tự Do:
Ngoài vai trò như là công viên, Công trường Lam Sơn còn là một bãi giữ xe mỗi khi khu vực này có triển lãm hoặc hội nghị. Ngay bên cạnh Công trường Lam Sơn có Phòng thông tin Đô Thành, nơi tổ chức nhiều buổi triển lãm lớn nhất thủ đô.
Sau đây là hình ảnh bãi xe công trường Lam Sơn:
Xung quanh công trường Lam Sơn là những tòa nhà cao lớn như Caravell Hotel, REX, Eden và thương xá TAX, nên đã có rất nhiều hình ảnh công trường Lam Sơn chụp từ trên cao sau đây:
Một số hình ảnh chụp từ Caravelle:
Hình ảnh chụp từ REX:
Cái tên Công trường Lam Sơn được giữ nguyên cho đến sau này, là nơi đã ghi dấu ấn trong ký ức người Sài Gòn vì có quang cảnh thoáng mát cùng 2 hàng cây cổ thụ cao lớn dọc 2 bên. Tuy nhiên từ năm 2014, toàn bộ cây cối tại công trường này đã bị chặt bỏ để xây nhà ga của tuyến đường sắt đô thị.
Một góc ảnh thể hiện công trường Lam Sơn cùng với REX Hotel
chuyenxua.net biên soạn
Nguồn ảnh: manhhai flickr