Nhớ về những hàng me trên đường phố Sài Gòn xưa _sgx

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa… Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.

Đó là những dòng tùy bút của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết từ năm 1952 trong bài viết mang tên Tôi Thương Những Hàng Me.

Hàng me trên đường Duy Tân cây dài bóng mát

Có thể nói Sài Gòn là thành phố của những hàng me, và me là loại cây lâu đời, quen thuộc nhất trên đường phố Sài Gòn suốt hơn 160 năm qua, kể từ khi nó được những đô đốc Pháp cho trồng trong thời kỳ đầu của thời Pháp thuộc, lúc đó người ta vẫn gọi là “Những cây me của các đô đốc”, và không ít những cây me này vẫn còn soi bóng mát cho tới tận ngày nay. Những cây me đã được trồng từ thuở toàn Nam kỳ vẫn nằm dưới sự cai trị của các đô đốc hải quân Pháp đi viễn chinh, chứ chưa có các chức danh thống đốc Nam kỳ hay là thị trưởng Sài Gòn như sau này.

Phần lớn cây trồng trên đường phố Sài Gòn đều được Sở cầu đường lấy từ vườn ươm khá phong phú của vườn Bách thảo (nay là Thảo Cầm Viên). Từ năm 1866, nhiều tuyến đường được làm lại và phần lớn trong số đó đã được trồng cây trên lề đường, nhiều nhất là cây sao, dầu, xà cừ, và dĩ nhiên là cả cây me, và người ra quyết định chọn những loại cây có nhiều bóng mát này là ông Louis Piere – giám đốc vườn Bách thảo lúc đó.

Hàng me hai bên đường Catinat 100 năm trước

Sài Gòn là xứ nhiệt đới nắng nóng nên ngay từ đầu người Pháp cho trồng cây rất dày, như trên đường hai bên bờ kinh Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), cứ 5m là trồng 1 cây trên lề đường. Việc trồng cây gì là do Hội đồng thành phố xem xét và biểu quyết, riêng ở đường Catinat người ta trồng đủ loại cây, trong đó không thiếu cây me, đến nay những cây me vẫn soi bóng trên đường Đồng Khởi, tức Catinat/Tự Do cũ.

Ở một số con đường khác, về sau người ta cũng trồng cả cây phượng, nhưng đến năm 1895, do nhận thấy phượng có tán lá thưa không mang lại bóng mát quanh năm nên Hội đồng thành phố cho hạ loại cây này trên đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du) để dành chỗ cho cây me phát triển. Cho đến nay, Nguyễn Du là con đường có nhiều cây me xanh nhất.

Hàng me trên đường Nguyễn Du năm 1965

Sau vài chục năm, cây cối ven đường phố Sài Gòn trở nên um tùm, rậm rạp đến mức nhiều người lo lắng đến vấn đề vệ sinh môi trường và đề nghị phải chặt bớt. Ngay những hàng me ở đường Catinat cũng hai lần (1903 và 1912) suýt bị hạ sau những cuộc tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố giữa những người muốn giữ lại và những người muốn chặt bỏ.

Me trên đường Tự Do (Catinat) năm 1965

Theo báo Phụ Nữ Tân Văn, trong năm 1929 vì muốn bảo vệ hàng me hai bên đường Catinat (Đồng Khởi), chính quyền đã cấm đậu xe hơi một số giờ trong ngày.

Những hàng me xanh trên đường Catinat – Tự Do thời điểm 80-90 năm trước

Những hàng me trên đường phố Sài Gòn đã trở thành hình ảnh quen thuộc in sâu vào trong tiềm thức người Sài Gòn qua nhiều thế hệ, đã đi vào trong thơ, văn và nhạc. Năm 1952, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã có bài tùy bút như sau:

Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ! Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt.

Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết không đẹp bằng những chị Mén, chị Vầu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng không đẹp bằng me, bằng me Sài Gòn.

Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sậm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không xơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao!

Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra…
Ôi, những hàng me chứa chấp cô Mùa, một cô gái quê ít dám léo hánh đến thành phố.

Chính trên mớ tóc xanh biến màu theo thời tiết của ngươi mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hằng năm len lén đến vài lần nơi thành phố.

Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.

Hàng me trên đường Nguyễn Du

Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi-măng của thành phố.

Ôi, những cây me ngủ chiều, gợi nhớ sự nghỉ ngơi của đồng áng, gợi nhớ những nỗi buồn tiền sử của loài người, khi chiều xuống họ hãi hùng nhìn cây ngủ, chim về, mặt trời chun xuống thiên nhai không biết ngày mai sẽ trở lại hay không…

A… ha, những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày…

Sau đây, mời các bạn xem lại hình ảnh các hàng me trên đường Catinat – Tự Do (nay là Đồng Khởi) được chụp qua các thời kỳ:

 

Hàng me ở đường Tự Do địan công viên Chi Lăng:

Quán La Pagode đã có từ đầu thập niên 1950, ở số nhà 209
Bên trái hình là công viên Chi Lăng, bên phải hình là tòa nhà 7 tầng ở số 211-213 đường Tự Do (ngay góc đường). Nhìn qua bên kia đường chính là quán La Pagode (ngay chỗ có chữ La màu đỏ ở trong hình trên). Tòa nhà bên trái hình là khách sạn Alfaca.
Đường Tự Do, bên trái là công viên Chi Lăng
Thảm cỏ thuộc công viên Chi Lăng. Chính giữa hình là khu vực ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do. Tòa nhà bên trái là khách sạn Alfaca, bên phải là quán La Pagode
Từ khách sạn Alfaca nhìn xuống công viên Chi Lăng, hướng về phía Nhà Thờ. Bên trái là tòa nhà đối diện công viên, là một phần của Dinh Thượng Thơ có cổng quay ra đường Gia Long – trụ sở của Bộ Kinh Tế thời VNCH, nay là trụ sở của Sở TT-TT đường Lý Tự Trọng.
Mặt sau của Dinh Thượng Thơ ở đối diện công viên, thời VNCH thì dãy nhà này là Trụ sở Bộ Kinh Tế, nay là trụ sở của Sở TT-TT, mặt tiền bên đường Lý Tự Trọng

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận


Ngày nay, hệ thống thoát nước nhiều khu vực ở Sài Gòn có vấn đề là cứ một trận mưa dù to hay nhỏ là đều xảy ra ngập úng.

Vào đầu thời Pháp thuộc, ngay từ cuối thập niên 1860, song song với việc quy hoạch thành phố, làm vỉa hè đường thì người Pháp đã xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước.

Trung tá công binh Coffyn, người lập một dự án quy hoạch nổi tiếng: Dự án “Thành phố Sài Gòn 500.000 dân” vào năm 1862, đã ghi lại như sau:

“Việc cho thoát nước mưa và nước thải trong các thành phố thường gây ra nhiều khó khăn, ở đây, những khó khăn đó lớn hơn bất cứ nơi nào khác, vì mặt đất Sài Gòn không cao hơn mực nước sông rạch bao nhiêu, nên không cho phép đặt những ống cống thông thường”.

Hệ thống thoát nước đầu tiên ở Sài Gòn là một vài đường ống cống chính đổ ra kinh Charner (nay là đường Nguyễn Huệ).

Đường ống này thỉnh thoảng lại bị nghẹt, gây ô nhiễm và hôi thối cho khu vực xung quanh. Hội đồng thành phố đã nhiều lần lên tiếng phản đối và yêu cầu giải quyết vấn đề này, việc lấp kinh Charner đã được tính tới từ lúc đó.

Đầu năm 1871, một lá đơn khiếu nại của cư dân trên đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và vài đường khác xung quanh đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) đã lê tiếng báo động rằng việc lấp một đoạn phía trên của kinh Charner mà không tính tới chuyện thoát nước đã làm cho nhiều đoạn đường bị ngập vào mùa mưa, gây ra những vũng nước tù đọng, bốc ra chướng khí gây ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Ngày 19/8/1871, phiên họp của Hội đồng thành phố đưa ra quyết định hối thúc giám đốc Sở Cầu đường phải nhanh chóng cung cấp sơ đồ cao trình của thành phố để khởi công xây dựng hệ thống các đường ống cống. Đến kỳ họp ngày 10/1/1872, Hội đồng thành phố lại đặt ra yêu cầu phải làm thế nào để tránh tình trạng nghẹt cống và ngập nước khi có mưa lớn vào đúng lúc nước thủy triều lên cao, cống không kịp thoát nước.

Hệ thống đường ống cống đầu tiên của Sài Gòn bắt đầu được xây dựng dần dần kể từ đó, tức là vào năm 1872, hơn 150 năm trước.

Đến đầu năm 1905, Hội đồng thành phố Sài Gòn lại quyết định phải vay thêm để có kinh phí hoàn tất hệ thống cống ngầm cho toàn thành phố.

Năm 1908, chính quyền mở một cuộc đấu thầu xây dựng hệ thống thoát nước cho Sài Gòn. Năm năm sau, tức năm 1913, Sở Công chánh Đông Dương lập một báo cáo chi tiết kết quả: “Một phần diện tích của thành phố đã được trang bị hệ thống ống cống tiếp nhận nước thải từ các hộ gia đình đổ ra đường hoặc đổ vào các ống nhánh, cũng như nước mưa…”.

Cùng với làm cống, việc mở mang công viên, trồng cây xanh bên đường cũng được chú trọng. Năm 1943, kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn với dân số dự kiến tăng trên 1 triệu dân, chính quyền đề xuất đào hồ ở phía tây của con đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay để chứa nước mưa, điều tiết ngập. Tuy nhiên, chiến tranh Đông Dương đã khiến kế hoạch chỉ nằm trên giấy.

Sau năm 1954, các kỹ sư, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Lê Văn Lắm, Trần Lê Quang… khảo sát địa mạo và hệ thống sông rạch Sài Gòn. Họ đề nghị thành phố sẽ phát triển theo hướng tây bắc – đông bắc (Củ Chi – Biên Hòa, Bình Dương). Các vùng thấp như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh được bảo tồn tự nhiên, giảm thiểu xây dựng để tiêu thoát nước cho thành phố… Từ năm 1965, chiến sự khốc liệt, cư dân tứ xứ đổ về đô thành trú an, họ làm nhà tự phát trên hai bờ kênh, quá nhiều nhà sàn làm ảnh hưởng đến dòng chảy như khu vực kênh Nhiêu Lộc, Tham Lương, Tàu Hủ…

Tháng 6-1968, câu chuyện về các hướng thoát nước chính ra kênh Tham Lương, rạch Nhiêu Lộc được bàn bạc. Thời điểm đó, chỉ có hướng thoát nước phía bắc ra kênh Tham Lương dòng chảy tốt. Hướng phía đông và nam xuất hiện tình trạng ngập úng. Nguyên nhân do nhà cửa chèn lên cống mương làm kẹt lối thoát nước. Việc giải tỏa nhà cất trên rạch Nhiêu Lộc thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6-1967. Sau đó, tiếp tục xử lý các nền nhà trên cống thoát nước, nhổ các cọc tre, gỗ, bêtông trong lòng rạch, giải tỏa nhà lấn chiếm cầu.

chuyenxua.net biên soạn
Nguồn: Hạ tầng đô thị Sài Gòn (Trần Hữu Quang) – Trăm năm cống thoát nước Sài Gòn (Quốc Minh – báo Tuổi Trẻ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *