👉👉Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
“Khu ông Tạ” là một nơi nổi tiếng và đặc biệt của Sài Gòn ngày xưa. Nơi đây có rất nhiều họ đạo, là khu “Bắc 54 đậm đặc” nhất của Sài Gòn, theo lời của một “dân ông Tạ” là nhà báo Cù Mai Công. Những người di cư từ miền Bắc đã mang vào khu Ông Tạ nguyên vẹn cuộc sống, từ y phục, giọng nói, ẩm thực và văn hóa nói chung.
Hiện nay, cái tên Ông Tạ không phải là tên gọi hành chính một cách chính thức, nhưng người ta vẫn quen gọi ngã 3 CMT8 – Phạm Văn Hai hiện nay là ngã 3 Ông Tạ, và dù cầu Ông Tạ năm xưa bắt qua kênh Nhiêu Lộc cũng đã không còn, thay vào đó là 2 cây cầu 2 bên để đi 2 chiều, người ta vẫn quen gọi là cầu Ông Tạ. Ngoài ra, chợ Ông Tạ cũng đã bị giải tỏa để thành trường tiểu học Phạm Văn Hai, nhưng người ta vẫn gọi khu này là Chợ Ông Tạ, và bà con tiểu thương vẫn tiếp tục buôn bán các mặt hàng truyền thống ở hai bên đường Phạm Văn Hai, đặc biệt đây vẫn là khu bán lá dong lớn nhất Sài Gòn để làm các loại bánh gói.
Chợ Ông Tạ được thay bằng chợ Phạm Văn Hai ở cách đó chỉ vài trăm mét (chợ mới được xây trên khu đất nghĩa địa Thánh Minh đã giải tỏa), sau lưng chợ mới hiện nay là khu người Hàn đông đúc nhất Sài Gòn, được gọi là Phố Hàn Quốc trên đường Ngô Thị Thu Minh.
Trước 1975, 2 đường cắt tại Ngã 3 Ông Tạ mang tên là Lê Văn Duyệt – Thoại Ngọc Hầu, và trước năm 1955, nơi này là vùng ngoại ô Sài Gòn rất vắng, chỉ có những ruộng hoang và đầm lầy, rồi trở thành mảnh đất cưu mang nhiều gia đình người Bắc di cư sau hiệp định Geneve năm 1954.
Những người di cư sống ở khu Ông Tạ đa số là những người theo đạo công giáo, vì vậy cũng từ đó có rất nhiều giáo xứ ở khu ông Tạ và khu vực lân cận, như là Nghĩa Hòa, Lộc Hưng, Nam Hòa, Sao Mai, An Lạc, Thái Hòa, Tân Chí Linh, nổi tiếng nhất là Nam Thái. Theo tác giả Cù Mai Công cho biết trong cuốn sách “Sài Gòn Một Thuở”, cộng đoàn giáo dân đầu tiên đến khu Ông Tạ là Cổ Việt, gốc ở huyện Vũ Tiên, hay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Bà con giáo dân Cổ Việt lên tàu há mồm vào Nam vào tháng 8 năm 1954, chỉ 1 tháng sau hiệp định Geneve, đi theo vị linh mục chánh xứ Cổ Việt là Đaminh Vũ Đức Triêm, ban đầu định cư ở Hố Nai (Biên Hòa), nhưng 1 năm sau đó lại dời về khu Ông Tạ. Cha Triêm vốn gốc giáo xứ Cổ Ra (Nam Định), sau đó được thụ phong ở Cổ Việt (Thái Bình). Khi đoàn chiên Cổ Việt đến lập trại ở khu Ông Tạ, một số giáo dân gốc Cổ Ra nhận ra cha Triêm nên rủ nhau theo cha Triêm. Đầu năm 1956, giáo xứ Nam Thái được thành lập, tập hợp những giáo dân của Cổ Việt và Cổ Ra, cái tên Nam Thái được ghép từ tên 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình, là quê gốc của giáo dân nơi đây. Giáo xứ Nam Thái bao gồm các địa điểm liên quan đến cái tên Ông Tạ là Ngã 3 Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ, và phòng khám ông Tạ.
Trước khi mang tên Ông Tạ, người dân thường gọi đây là Ngã 3 Tháp Canh, nguyên do là tại đây người Pháp đã lập một đồn binh để kiếm soát tuyến đường Thiên Lý đi hướng Cao Miên, cạnh đồn binh này có một tháp canh lớn, nên người dân gọi là Ngã 3 Tháp Canh, sau đó nói gọn lại thành Ngã 3 Tháp. Cái tên này dần dần bị thay thế bằng cái tên Ngã 3 Ông Tạ kể từ khi nơi này bắt đầu có dân di cư sinh sống đông đúc, và có một phòng khám mang tên Ông Tạ nằm cách ngã 3 khoảng 100m được mở vào khoảng đầu thập niên 1950. Ngày nay phòng khám này nằm ở căn nhà số 272 đường Phạm Văn Hai.
Về xuất xứ của tên Ông Tạ, ban đầu vốn chỉ là tên của một vị lương y có phòng khám ở ngã 3 Ông Tạ, sau đó được đặt tên cho một vùng khá rộng tên là khu Ông Tạ, gần tương ứng với phường 3,5 của quận Tân Bình hiện nay. Khu vực này được người ta quen gọi theo tên của ông Tạ ngay từ lúc vị này vẫn còn sống khỏe mạnh, đó là ông Trần Văn Bỉ, một thầy tu tại gia, đồng thời là lương y thuốc Nam mở phòng khám mang tên là Đông y sĩ Thủ Tạ ở ngã 3 Lê Văn Duyệt – Thoại Ngọc Hầu.
Ông Tạ quê ở Mỹ Tho, sinh năm 1918, sau khi tu và học nghề thuốc ở núi Bà Đen thì về Sài Gòn, nhận thấy ở Ngã 3 Tháp Canh có vị trí thuận lợi nên mở phòng khám chữa bệnh bằng cây thuốc nam, chuyên chữa cho trẻ em và phụ nữ. Phòng khám Ông Tạ rất hoành tráng nằm ngay bên Chợ Ông Tạ (nay là hẻm 265 Phạm Văn Hai), không chỉ là nơi khám chữa bệnh quen thuộc của người Sài Gòn xưa, mà bà con các tỉnh lân cận cũng tìm đến, hầu hết là người nghèo. Ông Tạ rất thương người nghèo, ngay cửa phòng khám còn để một thùng bạc lẻ quyên góp cho người khó khăn, và chuyện ông bốc thuốc chữa bệnh không những không lấy tiền mà còn cho tiền ăn, tiền xe cho bà con nghèo ở quê là chuyện bình thường ai cũng biết.
Theo tác giả Cù Mai Công – người đã sống từ nhỏ ở khu Ông Tạ và từng được ông khám chữa bệnh, thì ông Tạ thường bắt mạch với bộ đồ bà ba trắng, dáng đậm thấp, da dẻ hồng hào. Ông khám bệnh rất rẻ nên phòng khám lúc nào cũng đông. Dáng ông bệ vệ như hộ pháp, giọng sang sảng đầy nội lực nhưng lại phúc hậu. Trong phòng khám có ngôi chùa nhỏ, ông Tạ tu tại gia nên đây là nơi để ông hành lễ các nghi thức tôn giáo.
Dù khám bệnh rẻ và lại miễn phí cho người nghèo nhưng ông Tạ vẫn khá giả vì người đến khám rất đông. Sau năm 1975, có một cuộc đổi tiền, mối người chỉ được đổi tối đa 10.000 đồng tiền cũ lấy 200 đồng tiền mới (500 tiền VNCH đổi được 1 đồng tiền mới). Ông Tạ đã mang ra cả bao tiền chia cho người nghèo không có tiền đổi.
Ông Tạ mất năm 1983, hưởng thọ 65 tuổi. Đoàn xe đưa tang ông chạy một vòng từ phòng khám lên ngã 3 Ông Tạ (CMT8 – Thoại Ngọc Hầu), vòng lên ngã 4 Bảy Hiền, xuống Lăng Cha Cả, vòng lại đường Thoại Ngọc Hầu (giữa thập niên 1980 đường Thoại Ngọc Hầu đổi tên thành Phạm Văn Hai), rồi về lại phòng khám, an táng phía sau tư gia.
Sinh thời, ông Tạ không có con nên đã truyền nghề thuốc cho một người cháu và hai con trai của người cháu này. Người cháu ruột cũng đã mất nên hiện nay thương hiệu “nhà thuốc Ông Tạ” thuộc về hai người cháu (gọi ông Tạ là ông) là Nguyễn Văn Huệ ngay nhà ông Tạ và Nguyễn Văn Ðông cũng ở gần đó.
Khu Ông Tạ phần đa số là bà con giáo dân di cư, có 4 giáo xứ nằm ở 4 góc khu Ông Tạ, phía Nam là giáo xứ Nam Thái như đã nhắc đến ở trên. Phía Đông của khu Ông Tạ là giáo xứ An Lạc (với nghĩa là an cư lạc nghiệp) được thành lập từ đầu năm 1957, phía Tây có giáo xứ Thái Hòa nằm sau lưng chợ Ông Tạ, phía Bắc là giáo xứ Tân Chí Linh nằm bên kia kinh Nhiêu Lộc, đi qua cầu Ông Tạ quẹo phải, nằm ngay bờ kinh.
Bản thân người soạn bài này cũng đã có 4 năm gắn bó với khu Ông Tạ, mỗi gần cuối năm, dù còn cách Giáng Sinh cả tháng trời nhưng khu Ông Tạ đã nhộn nhịp đèn hoa khắp các hẻm đường và reo vang tiếng nhạc Giáng Sinh suốt từ tối đến đêm, tạo một bầu không khí rộn rã hân hoan và tôi chưa từng thấy khi sống ở nhiều nơi khác, là những kỷ niệm không thể nào quên ở trong đời.
Đông Kha (biên soạn) – chuyenxua.net