👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Danh từ Nhạc Trẻ được sử dụng phổ biến trong thời điểm hiện tại, vốn được khai sinh từ năm 1965 tại Sài Gòn, và người góp công lớn nhất cho sự ra đời của dòng nhạc trẻ Sài Gòn cùng với tên gọi mang tính khai phá này, chính là “ông vua nhạc trẻ” Trường Kỳ.
Trước khi cái tên Nhạc Trẻ được sử dụng, người ta thường gọi chung bằng cái tên là “Kích Động Nhạc”. Tuy nhiên vì tên này dễ gây hiểu nhầm nên nhạc sĩ – nhà báo Trường Kỳ đã đề xướng việc đổi tên thành Nhạc Trẻ, và cái tên này được sử dụng suốt gần 60 năm qua.
Click để nghe podcast tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp Trường Kỳ
Trường Kỳ không chỉ nổi tiếng trong âm nhạc với các vai trò tổ chức chương trình, bầu sô, sáng tác, mà ông còn là một nhà báo có tên tuổi. Nghề làm ký giả, tưởng chỉ đóng vai trò phụ, nhưng công việc viết lách tùy hứng này đã giúp tên tuổi Trường Kỳ nổi tiếng nhiều hơn. Ông đã dùng tên Johnny Kỳ khi phụ trách một chuyên trang mang tên Nhạc Trẻ trên tờ Kịch Ảnh của ông Quốc Phong từ năm 1964, khi đó ông vẫn còn.., ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, ngôi trường danh tiếng Taberd của Sài Gòn. Cũng chính từ tờ báo này, ông đã đề xướng việc đặt tên Nhạc Trẻ cho dòng nhạc dành cho giới trẻ này.
Trường Kỳ kể lại việc này trong hồi ký, xin trích nguyên văn:
“Trước sự đi lên mạnh mẽ của nhạc trẻ, tôi đề nghị với ông chủ nhiệm Quốc Phong phải “làm một cái gì” để mọi người biết rõ hơn về nhạc trẻ, đừng dựa trên danh từ “kích động nhạc” để tưởng tượng ra đủ mọi thứ xấu xa gán ghép cho nó.
Trước sự đề nghị của anh ký giả nhóc tì – lúc này đã bạo dạn hơn trước rất nhiều, vì dù sao cũng đã chính thức viết lách được một thời gian – ông chủ nhiệm ưng thuận ngay.
Chắc chắn ông ấy cũng chả cần biết tới nhạc trẻ là cái thống chế gì, nhưng thấy món này ăn khứa và đang hợp thời trang nên đã tỏ ra rất bênh vực cho món hàng này. Bàn đi, bàn lại nhiều lần để cuối cùng Kịch Ảnh quyết định tổ chức một buổi họp mặt đại diện một số các ban nhạc trẻ ngay tại tòa soạn.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, kết quả của “Bàn Tròn Nhạc Trẻ” được ghi nhận như sau:
– Đề nghị dùng tên gọi Nhạc Trẻ để thay thế cho Kích Động Nhạc của tôi được tất cả chấp nhận.
– Định nghĩa Nhạc Trẻ là gì đã được bàn cãi sôi nổi để cuối cùng tạm đưa đến một định nghĩa: “Nhạc Trẻ là loại nhạc thích hợp với những tâm hồn trẻ”.
Nó không hẳn phải là nhạc ngoại quốc cũng chẳng phải là loại nhạc chỉ dành riêng cho những người trẻ. Nó dành cho cả những “ông bố, bà via” luôn, miễn là có tâm hồn trẻ trung.
Nhạc trẻ cũng không nhất thiết phải là loại nhạc giựt gân hay thác loạn. Vì có rất nhiều nhạc phẩm êm dịu, tình tứ nhưng được rất nhiều người trẻ tuổi ưa thích. Cái định nghĩa chung chung và rất… ba phải ấy đã được toàn thể hưởng ứng vì chẳng ai có thể tìm ra được một định nghĩa nào kém… ba phải hơn!
Thế là tên Nhạc Trẻ được dùng để thay thế cho Kích Động Nhạc kế từ năm 65. Tên gọi đó được hưởng ứng ngay để trở nên quen thuộc cho đến bây giờ, mặc dù định nghĩa của nó vẫn ở trong tình trạng… ba phải, mù mờ. Báo chí, đài phát thanh từ đó cũng bắt đầu dùng danh từ này với nhiều thiện cảm”.
Năm 1965 còn đánh một dấu mốc son chói lọi cho nhạc trẻ Việt Nam bằng việc lần đầu tiên một đại hội nhạc trẻ được tổ chức, mà lại được tổ chức ở ngôi trường nổi tiếng trang nghiêm, là môi trường có vẻ không thích hợp cho không khí của một lễ hội nhạc trẻ, đó là trường Lasan Taberd.
Khi đó, câu học sinh 19 tuổi Trường Kỳ biết được rằng có biết bao nhiêu ban nhạc trẻ nghiệp dư đang thiếu sân khấu để phô diễn tài năng, không cẩn thủ lao, chỉ cần có nơi chơi nhạc. Năm đó Trường Kỳ đang theo học lớp1ère, tương đương vố Đệ Nhị (lớp 11) tại trường Taberd, ông ấp ủ kế hoạch tổ chức trình diễn nhạc trẻ ở thính đường trường Taberd, nhưng vấn đề khó khăn là thuyết phục được các sư huynh quản lý trường lớp. Việc đàn trống tưng bừng, những đầu tóc lắc lư bù xù ở học đường, đặc biệt là ngôi trường liên quan đến tôn giáo như Taberd thì khó khăn hơn bình thường.
Trường Kỳ đã bàn với bạn bè và nhắm tới sư huynh Vial (là người phụ trách dạy nhạc trong trường) để thuyết phục đầu tiên, như Trường Kỳ có nhắc tới trong hồi ký. Đã là người dạy nhạc thì chắc hẳn sư huynh này có tinh thần âm nhạc hơn hẳn các vị khác. Tuy nhiên họ vẫn không thể thuyết phục được sư huynh Vial, cuối cùng nhóm tổ chức nghĩ ra một cách khác, đầy tính “chính nghĩa”, đó là lấy lý do tổ chức Đại Hội Nhạc Trẻ để lấy tiền gây quỹ giúp Trường Mù Lasan trong Chợ Lớn.
Lần này sư huynh Vial chấp thuận về một “phe” với Trường Kỳ và nhóm bạn để tiếp tục công việc khó khăn hơn gấp bội, đó là thuyết phục lên sư huynh hiệu trưởng cho dùng thính đường của trường Taberd để tổ chức đại hội nhạc trẻ. Đây được xem là một đề nghị tạo bạo nhất chưa từng có đối với ban giám đốc trường. Hình ảnh màu mè của nhạc trẻ khó dung hòa được với hình ảnh của những chiếc áo dòng, âm thanh ồn ào của nhạc trẻ đối chọi với những bản thánh ca trang nghiêm và tha thiết.
Phải chờ gần một tháng trời, ban giám đốc trường Taberd mới chấp thuận việc tổ chức đại hội Nhạc Trẻ. Đó là một quyết định mang tính lịch sử, lần đầu tiên một nhạc hội nhạc trẻ được tổ chức ở Việt Nam, người chủ trương tổ chức chỉ là một chàng học sinh mới 19 tuổi – người sau này được gọi là Vua Nhạc Trẻ: Trường Kỳ.
Trường Kỳ và nhóm bạn, có 5,6 người chia nhau ra mỗi người 1 việc, mời ban nhạc, ca sĩ. soạn chương trình, sư huynh Vial hỗ trợ liên lạc với Trường Mù Lasan và lo vẫn đề thủ tục giấy tờ. Chương trình được ấn định vào cuối năm 1965.
Ban tổ chức nhạc hội mướn nhạc cụ (ampli, trống, đàn…) ở tiệm Lâm Hào. Đây là dịp hiếm có để ông Lâm Hào quảng cáo sản phẩm đến hàng ngàn người trẻ nên rất hồ hởi tính giá rất “học sinh” với những thiết bị tối tân nhất. Không có bất cứ một ban nhạc trẻ nào từ chối cơ hội được trình diễn ở đại hội nhạc trẻ đầu tiên này nếu được mời, dĩ nhiên là không hề có thù lao nào, họ chỉ cần được chơi nhạc để thỏa mãn niềm đam mê. Tuy nhiên vì thời gian và không gian có hạn nên chỉ có 10 bạn nhạc được tham gia, những ban khác tỏ ra rất tiếc nuối, ban tổ chức đành an ủi nói chờ năm sau.
Tin tức loan truyền rất nhanh chóng đến các trường học làm xôn xao giới học sinh yêu nhạc tại những trường Saint Paul, Marie Curie, Regina Pacis, Couvent Des Oiseaux, Fraternité, Phan Văn Huê, Les Lauriers… đến cả những trường Việt như Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Hưng Đạo…
Vé của ngày Đại Hội Nhạc Trẻ trường Taberd năm 1965 được tiêu thụ nhanh như chớp, bán hết vèo trong một tuần. Ngoài hơn 100 vé mời dành cho các ban nhạc, ban giám đốc trường và ban tổ chức, gần 1000 vé khác đã không đáp ứng được “cơn khát” của khán giả trẻ.
Theo mô tả của Trường Kỳ, đại hội nhạc trẻ lần đầu năm 1965, sân trường Taberd đã mang một bộ mặt mới mẻ chưa từng thấy, với sự xuất hiện của hàng trăm cô nữ sinh trẻ măng, trong quần là áo lượt với đủ kiểu cọ và mầu sắc. Đó là cả một sự tương phản chưa từng thấy: những chiếc áo dòng đen bị lạc lõng giữa những quần ống túm, những mini jupe ngắn trên đầu gối. Những mái tóc cắt ngắn gọn xen giữa những mái tóc dài bờm xờm của các dân chơi Sài Gòn. Đặc biệt là những bộ mặt nghiêm nghị thường ngày của các sư huynh lớn tuổi hình như cũng tươi tỉnh hẳn lên trước biến cố chưa từng thấy trong lịch sử của các trường Lasan, trong đó có Taberd.
Giờ khai diễn là 11h trưa, cửa hội trường (thính phòng) vừa mở là khán giả đã ào vào, chỉ trong một thoáng đã chật cứng, không còn một chỗ. Các bậc cấp giữa những hàng ghế trên lầu cũng đã không thể chen chân, hai bên cầu thang cũng đứng chen chúc.
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ, nhà báo Trường Kỳ nói rằng ông không nhớ thứ tự các ban trình diễn trong đại nhạc hội này, nhưng có mô tả như sau:
“Giới trẻ Việt Nam thời đó còn hiền khô, dù ái mộ cách mấy cũng chỉ vỗ tay, dậm chân hay huýt sáo là cùng. Những ai từng tham dự buổi đại hội nhạc trẻ Taberd đầu tiên này khó quên được tiếng đàn organ lả lướt của Mario Cruz qua nhạc phẩm “A Whiter Shade Of Pale” do ban nhạc The Spotlights trình bày. Mario chắc sáng hôm đó cũng đã lén lút “xúc miệng” bằng mấy “consommations” nên chơi hay quá cỡ. Tiếng đàn không khác gì Procol Harum là ban nhạc trình bầy nhạc phẩm này. Tiếng hát của Billy Shane cũng rất lả lướt, quyện với tiếng đàn của Mario trong nhạc phẩm bất hủ đã lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. Billy Shane còn được vỗ tay vang dội hơn nữa khi vừa cất tiếng mở đầu cho bản “Cara Mia” của Jay And The Americans với phần phụ họa của toàn ban The Spotlights, được coi là ban nhạc ăn mặc lịch sự nhất trong ngày đại hội.
[…]
Màn trình diễn của Les Vampires cũng đã là một màn trình diễn rất ngoạn mục, nhất là qua tiếng đàn guitar độc đáo của Văn Thái. Đây là một trong những tay lead guitar (lúc đó thường gọi là guitar solo) kỳ cựu nhất của nhạc trẻ Việt Nam, nổi tiếng với những nhạc phẩm hòa tấu của the Shadows như: Peace Pipe, Cozy, FBI, Sleep Walk…
Đây cũng là một đệ tử thứ dữ của thần Lưu Linh. Không có hơi men là y như rằng tiếng đàn nghe rất lạc quẻ. Trước khi bước ra sân khấu hôm đó, Thái đã cuống cuồng nhờ tôi tìm hộ chai xá xị có đựng whisky của anh để uống lấy hơi trước khi ra trình diễn. Sau khi ực một vài ngụm, Văn Thái nhà ta tươi tỉnh và sung sức hẳn lên đế sau đó cùng với Les Vampires bước ra sân khấu. Elvis Phương chắc khó thể nào quên được những tiếng vỗ tay vang rền tưởng như không dứt sau khi trình bày xong nhạc phẩm “Unchained Melody” rất điệu nghệ. Chàng sếu vườn Công Thành cũng đã khiến cho thính đường Taberd muốn rung rinh với nhạc phẩm “What’d I Say” bằng sự phụ họa của ban nhạc Les Fanatiques, đa số là học sinh Taberd như: Khiêm, Nhiệm và Lý.
[…]
Ban nhạc có tên Việt Nam duy nhất hôm đó là “Hải Âu” (trước đó dùng tên “The Seagulls”) đã mang lại một không khí mới lạ cho chương trình. Trưởng ban nhạc này không ai khác hơn là Lê Hựu Hà của ban nhạc Phượng Hoàng 6 năm sau đó. Nhạc phẩm “Hương” do Lê Hựu Hà sáng tác (cảm hứng từ tên người tình đầu đời của tay nhạc sĩ này) cũng là nhạc phẩm thuần túy Việt Nam duy nhất được trình bày hôm đó trước khán giả. Tuy mang một sắc thái mới mẻ nhưng gặp phải sự lấn át nặng nề của những nhạc phẩm ngoại quốc quen thuộc nên phần trình diễn của “Hải Âu” chỉ nhận được một sự tán thưởng ở mức trung bình.
Nhưng chỉ 6 năm sau, những bài hát nhạc trẻ có tính cách thuần túy của Việt Nam của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng của nhạc trẻ Việt Nam với sự xuất hiện của ban nhạc Phượng Hoàng, được trình bầy bằng tiếng hát của Elvis Phương. Dù sao chăng nữa thì lần thí nghiệm đưa một sáng tác trẻ hoàn toàn Việt Nam vào một buổi trình diễn gồm toàn nhạc trẻ ngoại quốc cũng là một sự táo bạo. Sau phần trình diễn của “Hải Âu”, Lê Hựu Hà nói với tôi là đã rất hồi hộp khi đưa sáng tác của mình ra trước công chúng, gồm toàn giới trẻ yêu thích nhạc ngoại quốc. Tuy chưa “cạnh tranh” nổi với nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng anh hy vọng dần dần việc làm của mình sẽ được để ý. Việc đó đã xảy ra khi ban nhạc Phượng Hoàng xuất hiện.
Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd đã gây được một tiếng vang lớn mạnh trong giới trẻ Sài Gòn, để những năm kế tiếp là 1966, 1967, 1968… những chương trình nhạc trẻ tổ chức tại đây luôn luôn tạo được dư luận rất xôn xao nơi giới trẻ và được coi như một nơi tranh tài của các ban nhạc trẻ Việt Nam…”
Thời kỳ thập niên 1960, kích động nhạc, tức nhạc trẻ, luôn bị coi là loại nhạc ngoại lai vì ca sĩ người Việt hát toàn những nhạc phẩm lời ngoại quốc. Các phương tiện truyền thông thời đó như đài phát thanh hoặc hãng dĩa không đã không dành cho thể loại nhạc này sự ưu ái nào, ngoài những những trình phát thanh dĩa nhạc ngoại quốc hàng tuần, nhưng khá ít ỏi. Hơn nữa, nhạc trẻ của Sài Gòn thời bấy giờ chỉ mang tính chất nghiệp dư, dù đã được khán giả trẻ ủng hộ nhưng ca sĩ, ban nhạc đi hát chỉ là để thỏa mãn nhu cầu được “chơi nhạc” chứ chưa có một con đường chuyên nghiệp như ở ngoại quốc. Lúc này nhạc trẻ cũng đã có một vài ông bầu chuyên lo việc “book show” hoặc “lancer” tên tuổi, nhưng chỉ là nghiệp dư, không có thế lực mạnh nắm trong tay cả giới truyền thông về ca nhạc như ở Anh hay Mỹ. Chỉ từ sau năm 1965, khi quân nhân Mỹ chính thức hiện hiện ở Miền Nam, các “club Mỹ” mọc lên ngày càng nhiều, khi đó thì vai trò của các ông bầu mới rõ nét hơn một chút so với trước đó.
Năm 1967, vừa học Luật Khoa, Trường Kỳ vừa cộng tác với ca nhạc sĩ – ông bầu Jo Marcel tại phòng trà Chez Jo Marcel nằm trong Hotel Catinat trên đường Catinat có mặt tiền bên đường Nguyễn Huệ và Tự Do, thực hiện chương trình nhạc trẻ “Hippies À GoGo”. Đây là chương trình nhạc trẻ hàng tuần nổi tiếng nhất thời đó và góp công rất lớn trong việc đưa dòng nhạc này trở nên thịnh hành trong giới trẻ Sài Gòn.
Từ sau đó, Trường Kỳ còn được ký giả Trần Quân của báo Bút Thép đặt cho biệt hiệu là “Vua Hippy”, bên cạnh biệt danh khác được bạn bè đặt cho là “Vua Nhạc Trẻ”. Có thể là Trường Kỳ xứng đáng với biệt danh này vì chính ông là người đầu tiên đề xướng việc đặt tên cho dòng nhạc này, cũng là một trong những người tiên phong cổ vũ cho sự phát triển của nó tại Sài Gòn. Tuy nhiên trong hồi ký của mình, Trường Kỳ lại cho rằng ông mang “hỗn danh” này (chữ của Trường Kỳ) vì những bài viết, bài báo bênh vực tối đa cho loại nhạc gấy ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với các “bậc phụ huynh” này.
Trong những lần bênh vực cho nhạc trẻ đó, đã có một vài lần xảy ra “bút chiến” dữ dội giữa chàng ký giả trẻ măng Trường Kỳ với những đàn anh trong nghề không có cảm tình với loại nhạc mà họ cho là giựt gân và mất gốc.
Thành công với loạt chương trình nhạc trẻ đưa Trường Kỳ trở thành tên tuổi đáng chú ý nhất trong làng nhạc Sài Gòn. Khoảng giữa năm 1968, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đến gặp ông và đề nghị thực hiện chương trình Nhạc Trẻ trên đài truyền hình. Lời đề nghị này đối với một chàng trai mới ngoài 20 tuổi là một điều ngoài mong đợi. Sau nhiều lần trao đổi với nhau, Trường kỳ đặt tên cho chương trình của mình là “Giờ Nhạc Trẻ”, dài 30 phút.
Chương trình đầu tiên được sự tham dự của nhiều nghệ sĩ và ban nhạc tên tuổi, trong số có ban nhạc The Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh, ban nhạc The Papa’s… Về phía ca sĩ có Elvis Phương, Pat Lam, Ngọc Mỹ, Thanh Lan, và Jo Marcel.
Theo tự sự của Trường Kỳ thì dù Giờ Nhạc Trẻ được giới trẻ hoan nghênh nhiệt liệt nhưng phải dừng phát sóng sau 7,8 chương trình vì sự phản đối của 1 số người bảo thủ trong ban điều hành đài truyền hình, không muốn đưa lên sóng quốc gia những hình ảnh mà theo họ là nhố nhăng, không thích hợp với thời cuộc.
Thời gian này, gần như Trường Kỳ đã quyết định buông xuôi việc học ở trường Luật, quyết tâm theo nghề báo. Dù vẫn cộng tác với các tạp chí, ông muốn thử sức với các nhật báo, như vậy mới thành một phóng viên thực thụ. Vì thân thiết với họa sĩ Đằng Giao – người giữ vai trò quan trọng trong báo Sống của Chu Tử, đồng thời cũng là người yêu nhạc.
Dù chủ trương của báo Sống nặng về chính trị, nhưng với sự thuyết phục của Đằng Giao, nhà văn Chu Tử vẫn chấp nhận ra thêm một phụ trang cho tờ báo vào tháng 10 năm 1968, đặt tên là Sống Chủ Nhật, là trang lớn khổ nhật báo với đề tựa là “Trang Nhạc Trẻ do Trường Kỳ phụ trách”.
Vào thời gian này, miền Trung đang gặp bão lụt nặng nề, Trường Kỳ đề xuất nhật báo Sống đứng ra tổ chức Đại hội Nhạc Trẻ để gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt. Đại hội diễn ra ở rạp Đại Nam nhận được sự ủng hộ lớn của đông đảo khán giả trẻ sau nửa năm 1968 ảm đạm vì thời cuộc.
Liên tiếp trong hơn một tháng, Trang Nhạc Trẻ của “Sống Chủ Nhật” đầy ắp những tin tức liên quan đến đại hội cũng như những bài giới thiệu ca sĩ và ban nhạc sẽ có mặt. Rạp Đại Nam đã không còn một chỗ trống trong ngày khai diễn đại hội Nhạc Trẻ do nhật báo Sống tổ chức, với sự tham dự của trên 10 ban nhạc trẻ như The Spotlights, The Top 5, The Sunshine, the Rising Sun, The Hard Stones…
Đầu năm 1969, Jo Marcel dời phòng trà của mình về Queen Bee bên đường Nguyễn Huệ cách đó không xa, nơi có sức chứa rộng lớn hơn (nơi cũ trở thành phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương), chương trình nhạc trẻ của Trường Kỳ cũng di dời theo.
Trong thời gian đầu tiên dời về Queen Bee, những chương trình Hippies À GoGo được diễn ra ở tầng lầu dưới, với sức chứa cao nhất có thể lên đến khoảng 400 người, gấp gần 4 lần “Chez Jo Marcelo” ở Hotel Catinat trước đó.
Jo Marcel và Trường Kỳ khai thác phòng trà Queen Bee được hơn 1 năm thì chuyển sang xây dựng phòng trà Ritz, trả lại mặt bằng Queen Bee. Ngay lập tức Khánh Ly thuê lại Queen Bee để bắt đầu sự nghiệp làm “bà bầu” khai thác phòng trà, đồng thời Khánh Ly cũng mời người bạn là nhạc sĩ Nam Lộc thực hiện chương trình nhạc trẻ mang tên Soul Party tương tự như Hippies À GoGo của Trường Kỳ. Lúc đó 2 nhạc sĩ Nam Lộc và Trường Kỳ chơi thân với nhau, và chính Trường Kỳ đã khuyên bạn mình nhận lời thực hiện chương trình để “cạnh tranh” với chính mình, hứa sẽ hỗ trợ thêm, mục đích chính là để cùng nhau phát triển mạnh thêm về phong trào nhạc trẻ.
Hai chương trình nhạc trẻ “HippiesÀ GoGo” và “Soul Party” của 2 phòng trà Ritz và Queen Bee vào đầu thập niên 1970 cùng rất đông khách. Trong các chương trình của mình, nhạc sĩ Trường Kỳ không chỉ cho trình diễn nhạc ngoại quốc mà còn xen kẽ nhạc Việt mới trên thị trường, như Đức Huy với Nếu Xa Nhau, Cơn Mưa Phùn, Mùa Đông Đã Đến Trong Thành Phố… Ông còn mời đôi uyên ương Lê Uyên & Phương đến trình diễn, mang lại một sắc thái mới lạ và rất đặc biệt cho các khán giả trẻ.
Sau một thời gian khai thác vũ trường Ritz, với đà thành công mạnh mẽ, Jo Marcel bắt đầu đứng ra thực hiện những băng nhạc “reel to reel” magnetic (ngày nay gọi là băng cối, băng ma-nhê) – mang nhãn hiệu Jo Marcel, được coi là bán chạy nhất trong thời kỳ này với sự góp mặt của hầu hết những ca sĩ nổi tiếng.
Ngoài ra, vào năm 1971, Jo Marcel và Trường Kỳ còn bàn nhau làm phim, tựa đề được đặt tên là Thế Giới Nhạc Trẻ, vai nữ chính thuộc về Minh Lý, bạn thân của Trường Kỳ (Minh Lý sau này trở thành 1 trong những người vợ của Jo Marcel), nam chính là Đan Thành (trưởng nam của nhạc sĩ Đan Thọ). Các ban nhạc trẻ The Peanuts Company, The Hammers, The Enterprise, Phượng Hoàng, The Apple Three, The Cat’s Trio… đều rất sốt sắng nhận lời xuất hiện vai khách mời trong phim.
Ông bầu Jo Marcel làm nhà sản xuất, kiêm đạo diễn, kiêm luôn cả cameraman. Trường Kỳ được giao phó nhiệm vụ làm phụ tá đạo diễn, kiêm D.O.P (giám đốc hình ảnh), kiêm luôn phần viết lời thoại. Nhạc sĩ Nam Lộc được mời làm quản lý phim trường, đôn đốc diễn viên, kiêm chuyên viên giao tiếp với các chủ phòng trà, vũ trường và địa điểm quay phim. Còn Như An – vợ thứ nhì của Jo Marcel – được giao phần quản lý tiền bạc, thu chi và làm “script girl”.
Vì làm phim kiểu nghiệp dư (tương tự “vụ án” tiệm phở lần trước”) nên sau khi hoàn thành xong cuốn phim, “đoàn phim” Jo Marcel không thể tìm được rạp phim nào chịu chiếu. Nhờ Jo Marcel quen với chủ rạp Eden nên đây là rạp duy nhất chiếu phim Thế Giới Nhạc Trẻ. Trước đó, Eden là rạp chỉ chiếu phim Âu-Mỹ hoặc vài phim Việt Nam chuyên nghiệp.
Ngày đầu công chiếu, phim của Jo Marcel – Trường Kỳ cũng thu hút được khá lớn giới trẻ “choai choai” nhờ nhiều bài viết ưu ái trên các tạp chí văn nghệ vì mối quan hệ tốt đẹp của Trường Kỳ với báo giới. Dù đã xảy ra một vài sự cố trong quá trình công chiếu, nhưng nói chung cuốn phim đã có được những thành công nhất định ngoài mong đợi của “đoàn làm phim” nghiệp dư. Sau đó, công ty phim Bốn Phương còn mua lại cuốn phim để mang đi chiểu ở các tỉnh nhỏ ở miền Tây và được giới trẻ hoan nghênh.
Thời gian sau đó, Trường Kỳ có dịp quen biết với Trịnh Quan, chủ của “kiosque” bán băng nhạc Trịnh Quan trên đường Nguyễn Huệ. Ông Quan là một người mê nhạc trẻ, lại khá giả nên đề nghị cùng với Trường Kỳ, Tùng Giang cộng tác làm báo “cho vui”, lấy tên báo là Hồng, chuyên về nhạc trẻ cùng các sinh hoạt văn nghệ khác là tân nhạc và điện ảnh. Họ mời thêm được ký giả Ngọc Hoài Phương, mời Viên Linh làm tổng thư ký. Nhờ đánh đúng vào thị hiếu của giới trẻ nên ngay từ “Hồng” số ra mắt đầu tiên đã bán hết sạch, được coi như một loại “Salut Les Copains” của Việt Nam, càng ngày càng nổi tiếng, có số phát hành lên rất cao. Báo Hồng phát hành được chưa đầy 2 năm thì bị đình bản do tình hình thời cuộc trong sự tiếc nuối của độc giả trẻ.
Đầu năm 1971, thiếu tá Phạm Huấn, người chủ trương tuần báo Diều Hâu đến tìm Trường Kỳ tại Bồng Lai, mời ông tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ tại sân vận động Hoa Lư, có sức chưa lên đến 15 ngàn khán giả. Đại hội nhạc trẻ lớn nhất diễn ra trước đó (năm 1970) tại sân trường Taberd chỉ có khoảng 5000 khán giả, nhưng đã là thành công và tổ chức rất vất vả.
Thấy Trường Kỳ có vẻ lưỡng lự, thiếu tá Huấn trấn an và nói rằng sẽ có sự trợ giúp của quân đội thì việc thiết lập một sân khấu lớn ngoài trời chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự hoặc ngăn chặn những vụ lộn xộn trong đám đông cũng không phải là một vấn đề lớn.
Trước sự thuyết phục đó, Trường Kỳ nhận lời, ông mời thêm những người bạn thân thiết của mình vào ban tổ chức là Jo Marcel, Nam Lộc và Tùng Giang, mời nhạc sĩ Phạm Duy làm cố vấn.
Đại hội được chính thức được lấy tên là “Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời”, tổ chức vào ngày 29 tháng 5 năm 1971 tại sân vận động Hoa Lư.
Sau khi ngày tổ chức đại hội nhạc trẻ được công bố, làn sóng chống đối bắt đầu nổi lên, chủ yếu đến từ những người phe đối lập chính quyền và đối tượng được gọi là “thành phần thứ 3”, khai thác mặt trái của hippy, xuyên tạc nhạc trẻ với những ý nghĩa xấu.
Tuy vậy, sau tất cả những sự chống đối đó, đại hội nhạc trẻ năm 1971 do Trường Kỳ và nhóm bạn tổ chức vẫn diễn ra như dự định.
Theo mô tả chi tiết của Trường Kỳ trong hồi ký về chương trình này, ban nhạc mở màn là The Royal King. Với 3 nhạc phẩm Smiling Phases, Make Me Smile và Persuation, ban nhạc người Philippines này đã khiến cho không khí của ngày đại hội sôi nổi ngay từ phút đầu, thậm chí lôi hàng loạt ký giả trong và ngoài nước ào lên sân khấu để chụp hình.
Sự kiện này đã khiến sân khấu bị sập một góc phía sau nhưng rất may không làm ai bị thương. Tiếp nối chương trình là ban nhạc Việt Nam The Jay Cees, đã thành lập trước đó một năm nhưng đó là lần đầu tiên ra quân trước số lượng khán giả đông đảo.
Ban The Hammers cùng với nữ ca sĩ Cathy Huệ tiếp tục chương trình trong tiếng vỗ tay liên hồi của khán giả. Phần trình diễn của The Hammers khác biệt với phần trình diễn của các ban nhạc khác góp mặt trong chương trình khi được xen kẽ bằng hai nhạc phẩm Việt Nam là Nửa Hồn Thương Đau và Kỷ Vật Cho Em.
Quân đội Hoa Kỳ cũng góp mặt một ban nhạc, nhưng theo Trường Kỳ là lại gửi đến một ban không thích hợp với một Đại Hội Nhạc Trẻ.
Phần tiếp theo là sự xuất hiện của ban CBC rất nổi tiếng thời đó, nhưng phần trình diễn bị gián đoạn vì một sự cố dưới sân khán giả, nhạc sĩ Nam Lộc phải ra vãn hồi trật tự, sau đó ban tổ chức tạm ngưng chương trình một thời gian để khán giả và nghệ sĩ nghỉ ngơi và dùng bữa trưa. Lúc này nắng gắt, khán giả lên đến 15 ngàn người.
Dưới đây xin tiếp tục trích nguyên văn tường thuật của Trường Kỳ về buổi trình diễn Đại Hội Nhạc Trẻ tại sân Hoa Lư năm 1971 vào buổi chiều:
“Đến 13 giờ 40, chương trình lại được tiếp tục với màn trình diễn của ban nhạc The Enterprise với hai giọng ca Kasim và Kim Oanh. Trong thời gian này, The Enterprise được coi là một trong những ban nhạc thuộc hàng đầu trong làng nhạc trẻ Việt Nam với tài nghệ sử dụng lead guitar của Trung Nghĩa, bass guitar của Lý Được và trống của Mạnh Tuấn. Mở đầu phần trình diễn, Trung Nghĩa đã dùng ngón đàn điêu luyện của mình để trình bày nhạc phẩm nổi tiếng của Jimi Hendrix là Purple Haze, sau khi dạo đầu bằng vài đoạn nhạc của bài quốc ca Mỹ (Star Spangled Banner) và bản quốc thiều Việt Nam trong sự thích thú của khán giả. Kế đó là Kim Oanh với I Can’t Get Next To You và Kasim với Into The Sun.
The Enterprise kích động khán giả bao nhiêu thì phần trình diễn của The Black Stones sau đó đã ru hồn họ bấy nhiêu. Gần như mọi người đã nín thở khi khi thưởng thức giọng ca đầy truyền cảm của Ernie Tangle – một nam ca sĩ người Phi – qua những nhạc phẩm của Tom Jones như: Delilah, Danny Boy và I Who Have Nothing. Tay bass Ngọc Tùng của The Black Stones cũng gây được nhiều thích thú với nhạc phẩm Speedy Gonzales. Trong lần xuất hiện này, the Black Stones – mà một số lớn các ca nhạc sĩ trong bạn là những quân nhân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt – đã tỏ ra có rất nhiều cố gắng qua hai nhạc phẩm khác là I Can’t Get Next To You và Exodus.
The Peanuts Company sau đó đã khiến bầu không khí sôi nổi trở lại với những nhạc phẩm Psychedelic: Sin’s A Good Man’s Brother, Soul Sacrifice, Inside Looking Out và Nothing Is The Same. Nổi bật nhất trong màn trình diễn của The Peanuts Company là lối biểu diễn đẹp mắt của tay bass Michel Trần và tay lead Bernard Trần trong những tiếng cổ võ liên hồi, tán thưởng cho màn trình diễn độc đáo này.
Ban nhạc trẻ ngoại quốc nổi bật nhất trong ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời tại sân Hoa Lư chắc chắn phải là The Exodus của Indonesia. Thành phần của The Exodus gồm một nam ca sĩ người Mã Lai tên Dave Burnie và các nhạc sĩ còn lại đều là người Nam Dương. Dave Burnie với thân hình như một lực sĩ đô vật đã gây nhiều sôi nổi nơi phía khán giả khi anh cởi chiếc áo gilet, rồi tới áo chemise để mình trần khi trình bày nhạc phẩm I Want To Take You Higher. Tay lead guitar của the Exodus cũng đã khiến mọi người trầm trồ khen ngợi với lối đánh nhanh như gió, song song với nghệ thuật biểu diễn linh động như vòng đàn ra sau lưng hoặc đưa thẳng lên đầu. Qua những nhạc phẩm trình bày: Sing A Simple Song, I’ll Be There, I Want To Take You higher… The Exodus đã được ghi nhận là ban nhạc có một tài nghệ xuất sắc và điêu luyện để xứng đáng là ban nhạc nổi bật nhất trong ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời 1971.
Sau phần trình diễn của The Exodus, ban nhạc The Magic Stones được mời xuất hiện trên sân khấu với Đức Vượng là ca sĩ chính với phần trình bày những nhạc phẩm Pop, đặc biệt là những nhạc phẩm của Creedence Clearwater Revival. Khởi đầu với Hey Tonight, The Magic Stones đã trình bày liên tiếp sau đó một liên khúc của CCR gồm: Who’ll Stop The Rain, Born On The Bayou, Susie Q., Proud Mary và Lodi trong những tiếng vỗ tay vang dội mỗi lần chuyển từ nhạc phẩm này qua nhạc phẩm khác. Khi mới chuyển qua nhạc phẩm thứ nhì là Born On The Bayou thì bà Nguyễn Văn Thiệu và một số dân biểu quốc hội đến tham dự bằng trực thăng, do đó phần trình diễn của The Magic Stones bị gián đoạn trong vài phút. Lúc đó vào khoảng hơn 4 giờ và trời đã lất phất mưa đúng vào lúc Đức Vượng cất tiếng chuyển qua nhạc phẩm Have You Ever Seen The Rain? Sự trùng hợp này đã gây được sự thích thú nơi khán giả không ít. The Magic Stones sau đó vẫn tiếp tục trình bày Up Around The Band, Bad Moon Rising và Looking Out My Back Door.
Khi âm thanh cuối cùng của nhạc phẩm sau chấm dứt thì trời cũng bắt đầu mưa nặng hột. Cũng tại cơn mưa này mà nhiều ban nhạc và nghệ sĩ đã không thể lên sân khấu trình diễn như The Crazy Cows, The Rabbits, The Apple Three và The Brothers Five, cặp song ca Thanh Tuyền – Đức Huy cũng như cặp Lê Uyên & Phương. Về phía những ban nhạc ngoại quốc có ban nhạc của Quân Đội Thái Lan, ban nhạc Đại Hàn Asian Variety và ban nhạc Phi The In Crowd… Cũng bởi cơn mưa, chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế đã phải chấm dứt vì hệ thống âm thanh không thể sử dụng được dưới mưa, trong sự tiếc rẽ của tất cả mọi người. Khán giả cố nán lại thêm với hy vọng cơn mưa sẽ chấm dứt. Nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Trước sự đi lên mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ, Trường Kỳ bắt đầu nảy ra ý định kêu gọi bạn bè, nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ cùng sáng tác những ca khúc nhạc trẻ thuần Việt để các ca sĩ trẻ trình bày. Đó là khởi phát của phong trào “Việt hóa nhạc trẻ”, thành công nhất là ban Phượng Hoàng thời gian sau đó với các bài nhạc trẻ Việt Nam thuần túy. Tuy nhiên, việc đánh tan đi thành kiến rằng nhạc trẻ là nhạc ngoại quốc từ lâu đã in sâu trong nhiều người là chuyện không dễ thực hiện. Hơn nữa, từ lâu người ta đã có quan hiệm “sính ngoại”, cái gì của nước ngoài thì mới hay, còn đồ nội thì không tốt bằng, cũng là một trở ngại lớn cho phong trào “Việt hóa nhạc trẻ”.
Việt hóa Nhạc Trẻ được nhiều người hưởng ứng, nhưng không phải là việc một sáng một chiều, mà được làm theo từng bước. Giai đoạn chuyển tiếp là lấy nhạc ngoại quốc nổi tiếng rồi viết ra lời Việt để hát. Đó có thể là dịch sát nghĩa từng câu trong bài nhạc gốc, hoặc giữ nội dung chính bài hát nhưng câu chữ được đổi khác, hoặc là Việt hóa tự do, đổi nội dung bài hát hoàn toàn khác. Đa số các “thợ dịch” chọn cách thứ 2, đó là giữ nguyên nội dung gốc vốn đã rất ý nghĩa, rồi viết lại ca từ thoáng ý theo Tiếng Việt. Người thành công nhất theo cách thứ 3 có lẽ là Nam Lộc với Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu hoặc Mây Lang Thang.
Riêng nhạc sĩ Trường Kỳ, ông là một trong những người chuyển lời Việt cho nhạc ngoại nhiều nhất, chọn cách thứ 2. Căn phòng thuê ở khách sạn Bồng Lai của ông trở thành một “trung tâm Việt hóa Nhạc Trẻ”.
Các nhạc sĩ Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Quốc Tai Trí,… lui tới thường xuyên để viết lời Việt, nhiều khi còn “xí phần” một bài ngoại quốc nổi tiếng nào đó để chuyển thành lời Việt Nam. Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất hưởng ứng phong trào này để tung ra những nhạc phẩm nổi tiếng như: Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Tình Cho Không Biếu Không (L’Amour C’est pour Rien), Hỡi Người Tình Lara (Dr Zivago), Chuyện Tình (Love Story), Người Yêu Nếu Ra Đi (If You Go Away), Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Himalaya, Ngày Tân Hôn (The Wedding)…
Việc thử nghiệm đưa những nhạc phẩm Việt Hóa này lên sân khấu trình diễn đã được giới trẻ hưởng ứng ngay và họ cũng đã tỏ ra rất thích thú trước sự thay đổi mới lạ này.
Đầu năm 1973, tập Tình Ca Nhạc Trẻ số 1 gồm 14 ca khúc nhạc ngoại do Trường Kỳ chuyển lời Việt với mẫu bìa rất hippy do họa sĩ Đằng Giao thực hiện được phát hành.
Không đầy một tháng số bán của tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” 1 đã đạt được con số bán kỷ lục, vượt xa những tuyển tập nhạc khác.
Sau thành công này, 9 tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” khác lần lượt được tung ra trong vòng hơn một năm và tất cả đều gặt hái được thành công. Kể từ “Tình Ca Nhạc Trẻ” 2, nhạc sĩ Phạm Duy đã đóng góp nhiều ca khúc ngoại quốc chuyến lời Việt cùng với tôi và một số nhạc sĩ trẻ khác như Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Cao Giảng, Tuấn Dũng, Trung Hành. Những quyển kế tiếp còn có sự tham gia của Vũ Xuân Hùng, Kỳ Phát, Quốc Trí, Tiến Chỉnh, Ngọc Uyển…
Phong trào Việt Hóa nhạc trẻ đã bước ngay vào lĩnh vực băng nhạc cũng kể từ năm 1973, song song với những tập “Tình Ca Nhạc Trẻ”. Ông Lê Đằng đã bỏ vốn và đề nghị Trường Kỳ cùng Nam Lộc thực hiện băng nhạc trẻ, sau đó băng magnetic (ma nhê) mang tên “Nhạc Hồng” ra đời, được coi là băng nhạc đầu tiên của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ với những ca khúc chuyển lời Việt của Nam Lộc và Trường Kỳ do trung tâm Thúy Nga phát hành.
Click để nghe băng Nhạc Hồng của Trường Kỳ – Nam Lộc thực hiện
Đây là cuốn băng qui tụ tất cả những giọng ca của làng nhạc trẻ Việt Nam như: Jo Marcel, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Xuân, Minh Phúc, Duy Quang, Như An, Julie, Carol Kim, Cathy Huệ, Tuấn Dũng, Trung Hành với các ban nhạc The Dreamers, The Hammers, Schroums… và đặc biệt có sự góp tiếng của Lệ Thu. Sự thành công của “Nhạc Hồng” đã lôi kéo thêm nhiều bằng nhạc khác được thực hiện sau đó như “Tình Ca Nhạc Trẻ”, “Thế Giới Nhạc Trẻ”, “Sinh Hoạt Nhạc Trẻ”, “Nhạc Trẻ”… do Tùng Giang, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Ngọc Chánh… thực hiện. Tất cả những băng nhạc đó đã khiến cho phong trào Việt Hóa nhạc trẻ được phát triển thật sâu rộng trong quần chúng.
Trong số những hãng băng thực hiện băng nhạc trẻ thì có Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh là nhiều nhất vói 8 băng Nhạc Trẻ sau đây, mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 1
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 2
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 3
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 4
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 5
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 6
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 7
Click để nghe Băng Nhạc Trẻ 8
Sau đây là 2 băng Thế Giới Nhạc Trẻ do Kỳ Phát thực hiện:
Click để nghe băng Thế Giới Nhạc Trẻ 1
Click để nghe băng Thế Giới Nhạc Trẻ 2
Các băng Sinh Hoạt Nhạc Trẻ do Tùng Giang thực hiện:
Click để nghe băng Tùng Giang 1
Click để nghe băng Tùng Giang 2
Click để nghe băng Tùng Giang 4
Click để nghe băng Tùng Giang 5
Click để nghe băng Tùng Giang Băng Vàng
Sau đây là 3 băng Tình Ca Nhạc Trẻ do Vũ Xuân Hùng và Nguyễn Duy Biên thực hiện:
Click để nghe băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1
Click để nghe băng Tình Ca Nhạc Trẻ 2
Click để nghe băng Tình Ca Nhạc Trẻ 3
Năm 1973, có đến 2 đại hội nhạc trẻ được tổ chức tại sân trường Taberd, một lần đầu năm 1973 và một lần vào 25/11/1973. Đặc biệt trong lần đại hội nhạc trẻ này đã có dịp “giao duyên” với những tên tuổi lớn của làng tân nhạc Việt Nam là Khánh Ly, Lệ Thu, và nhất là ban hợp ca Thăng Long. Đây là một trong những Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd được coi là thành công nhất kể từ khi được tổ chức ngoài trời.
Sự đi lên mạnh mẽ của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ cũng đã gây được sự chú ý của các nhà làm phim, trong số đó có “Cô Hippy Lạc Loài”, phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Nhã Ca, và phim “Tuổi Dại” năm 1974, có sự xuất hiện của chính cua hippy, vua nhạc trẻ Trường Kỳ.
Sau đó, nhờ có người yêu, sau đó là vợ Thu Huyền luôn khuyến khích, Trường Kỳ còn thực hiện thêm một lần đại nhạc hội nhạc trẻ Taberd vào hè năm 1974.
Sau khi cưới vợ năm 1974, tưởng như Trường Kỳ sẽ rời xa hoạt động ca nhạc, nhưng với lời mời thiết tha của ban tổ chức, sự khuyến khích của vợ, ông lại cùng các bạn đứng ra thực hiện chương trình cho Đại hội Nhạc Trẻ tại Thảo Cầm Viên vào ngày 29 tháng 12 năm 1974. Đây cũng là chương trình đại hội nhạc trẻ cuối cùng tại Sài Gòn thời điểm trước 1975, diễn ra trong một thời cuộc rối ren, lòng người rối bời, nên không để lại ấn tượng nào đặc biệt.