Ngày nay, nhiều người hẳn vẫn tò mò về chủ nhân xưa kia của ngôi biệt thự cổ có hình dáng độc đáo như một con tàu, với mặt trước nhỏ và mở rộng dần về phía sau, giống như một “ốc đảo” biệt lập, hiện nay vẫn còn ở giữa bốn con đường Trần Hưng Đạo, Ký Con, Lê Thị Hồng Gấm và Yersin, toạ lạc ngay trung tâm quận 1, cách chợ Bến Thành chỉ vài phút đi bộ.
Xem xét xung quanh ngôi biệt thự này, người qua đường có thể nhìn thấy dòng chữ NG. V. HAO được khắc nổi rất lớn trên cửa chính và các cửa sổ của ngôi biệt thự tại các mặt quay ra đường. Đó chính là tên của vị chủ nhân Nguyễn Văn Hảo, một đại gia nổi tiếng của Miền Nam xưa, ông trùm trong giới buôn bán phụ tùng xe hơi và là người sở hữu rạp hát lớn nhất của Sài Gòn trước 1975.
Từ anh nông dân phất lên thành ông chủ lớn
Tỷ phú Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890 tại xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình bình thường với nhiều đời làm nông nghiệp. Cha ông có tới ba người vợ, mẹ ruột ông là vợ ba, còn ông Hảo là con thứ ba của mẹ mình. Thưở nhỏ, ông Hảo sống cùng cha mẹ ở quê nhà Trà Vinh, ngoài việc ruộng đồng phụ giúp gia đình, ông Hảo cũng được cha cho ăn học chút ít.
Sau này, thấy ông Hảo chững chạc, thông minh, lanh lợi và chăm chỉ nhưng chỉ ở nhà làm ruộng, ông Nguyễn Văn Kiệu, anh trai cùng cha khác mẹ với ông Hảo, lúc này đang là chủ một cửa tiệm kinh doanh phụ tùng ô tô làm ăn khá phát đạt ở trung tâm Sài Gòn, bèn đưa ông lên phụ giúp công việc kinh doanh của mình. Từ một người phụ việc, vốn chăm chỉ, lại ham học hỏi, chẳng mấy chốc ông Hảo đã học được nghề buôn bán, thay ráp phụ tùng, trở thành thợ chính trong tiệm của anh trai, đồng thời đưa được vợ con lên Sài Gòn sống cùng mình.
Sau thời gian dài làm việc cho anh trai, tích luỹ được số vốn liếng kha khá cùng kinh nghiệm làm ăn kinh doanh, ông Hảo ngỏ lời xin anh trai cho mở tiệm riêng trên đường Trần Hưng Đạo. Điều đặc biệt là cửa tiệm đầu tiên mà ông Hảo thuê và ăn nên làm ra từ đó thuộc sở hữu của gia đình chú Hoả, vị đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa.
Khi công việc buôn bán phụ tùng, sửa chữa xe cộ đi vào ổn định, ông Hảo sắm một cây xăng bơm tay để trước cửa tiệm, mở bán thêm xăng xe, dầu nhớt các loại cho xe cộ qua lại và lui tới cửa hàng của ông. Dù mở tiệm sau nhiều thương nhân người Việt và cả người Pháp khác, nhưng với sự mềm dẻo, khéo léo và nhanh nhạy trong kinh doanh, cửa tiệm của ông Hảo luôn tấp nập khách ra vào. Khi công việc kinh doanh lớn hơn, ông Hảo giao lại việc buôn bán tại cửa tiệm cho vợ, kết hợp với bà con họ hàng mở thêm chi nhánh ở tỉnh, bản thân ông chủ yếu lo việc lấy hàng và giao dịch với chủ hàng từ Pháp. Theo lời kể lại, vợ ông Hảo cũng là một người kinh doanh khéo léo, chăm chỉ và biết chiều lòng khách hàng. Cánh tài xế đường dài từ miền Tây lên rất thích mua bán phụ tùng tại tiệm của vợ ông Hảo vì sự tận tình, cởi mở và dân dã, khác biệt hoàn toàn với những tiệm phụ tùng khác, nhất là cung cách xa lạ của các tiệm người Pháp. Đặc biệt, nếu là tài xế lái xe thuê đến mua hàng, bà Hảo còn “biếu” ngược lại họ vài đồng cà phê, thuốc lá cho vui.
Chẳng mấy chốc, vợ chồng ông Hảo đã có một số vốn lớn trong tay và tậu được miếng đất “vàng” ngay trung tâm quận 1 để xây một toà nhà lớn (chính là căn biệt thự cổ ngày nay). Toà nhà được khởi công xây dựng từ năm 1933, đến năm 1935 thì hoàn thành một phần, gia đình ông Hảo dọn vào sinh sống và kinh doanh, toà nhà sau đó tiếp tục được xây cất và hoàn thiện vào năm 1937.
Toà biệt thự có tổng diện tích khoảng 800m2, gồm có 3 tầng lầu và 1 sân thượng, được xây theo kiến trúc Pháp phổ biến thời bấy giờ, một số vật liệu xây dựng như gạch bông được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp. Toàn bộ tầng trệt khu biệt thự được ông Hảo ngăn ra làm nơi kinh doanh buôn bán đủ thứ ngành nghề xoay quanh những chiếc xe hơi. Mặt tiền phía đường Trần Hưng Đạo, ông Hảo cộng tác với hãng Caltex mở cây xăng. Mặt tiền đường Lê Thị Hồng Gấm, ông mở garage bán xe.
Phía bên hông biệt thự, hai mặt quay ra đường Ký Con và đường Yersin ông Hảo đặt văn phòng làm việc, cửa hàng bán phụ tùng xe hơi và nhà kho. Ở các tầng trên, nửa trước căn nhà phía đường Trần Hưng Đạo là nơi ở của đại gia đình ông, nửa phía sau đường Lê Thị Hồng Gấm, ông Hảo ngăn thành 6 căn hộ cho thuê.
Nói thêm về việc kinh doanh xe hơi của ông Hảo, từ năm 1940, ông Hảo liên hệ với các hãng xe từ phương Tây, nhập xe hơi nguyên chiếc về bán cho người Việt. Một số thương hiệu xe hơi mà ông kinh doanh có thể kể đến như Fiat, Nash, Lancia,…. Bên cạnh bán xe, ông Hảo bao thầu luôn các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa cho các hãng xe, đồng thời làm đại lý vỏ ruột xe hơi cho hãng Michelin. Có thể nói, dù xuất thân từ nông dân, học vấn ít ỏi, ông Hảo đã nhanh chóng học hỏi và có những mối quan hệ làm ăn sâu rộng với người Pháp; đồng thời với phong cách kinh doanh bình dân, tận tâm, gần gũi với khách hàng người Việt, ông cạnh tranh trực tiếp và là đối thủ đang gờm của các thương nhân người Pháp làm ăn tại Sài Gòn.
Việc kinh doanh tiếp tục phất lên, thấy khu đất gần đó (nằm giữa 4 con đường Trần Hưng Đạo, Bùi Viện, Đề Thám, Nguyễn Thái Học) có diện tích và vị trí đắc địa không kém khu đất hiện tại, ông Hảo tiếp tục tung tiền thu mua và đầu tư xây dựng hai dãy nhà lầu với khoảng hơn 20 căn liền kề ở khu vực “mũi tàu” để cho thuê kinh doanh.
Chỉ tính riêng tiền cho thuê khu nhà này mỗi năm ông Hảo đã thu được hàng ngàn đồng bạc Đông Dương. Phần cuối khu đất ông xây dựng rạp hát cải lương mang tên mình, chính là rạp Nguyễn Văn Hảo nổi tiếng.
Xây Rạp Hát vì yêu Cải Lương
Sinh ra và lớn lên ở xứ sở cải lương, ông Nguyễn Văn Hảo cũng như bao người dân miền Tây khác, mê cải lương từ trong máu thịt. Chính vì vậy mà khi có đủ lực về tài chính, ông bèn xúc tiếc việc xây rạp hát Nguyễn Văn Hảo.
Trước năm 1960, rạp Nguyễn Văn Hạo được coi là “thánh đường” cải lương, một số nghệ sĩ gọi rạp bằng cái tên “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Sở dĩ những cái tên như vậy ra đời là bởi đây là rạp hát cải lương lớn nhất, đắt khách nhất Sài Gòn thời đó. Rạp có đến ba tầng khán phòng với 1.200 chỗ ngồi. Tầng trệt của khán phòng đặt 500 chiếc ghế tựa, lót nệm, bọc da đỏ sang trọng dành cho 2 hạng vé cao nhất, khách VIP và hạng nhất. Tầng 2 gồm cũng gồm 400 ghế tựa, lót nệm, bọc da đỏ tương tự như tầng trệt dành cho vé hạng nhất và hạng nhì tuỳ theo hàng ghế. Tầng trên cùng, tầng 3 là khu vực dành cho vé hạng ba, có 300 chỗ ngồi là những băng ghế dài, đóng thành từng tầng từ thấp lên cao để khán giả có thể dễ dàng nhìn thấy sân khấu.
Ngoài 1.200 chỗ ngồi chính thức này, có những vở diễn lượng khách đến xem quá đông, người ta còn bán thêm vé ghế súp đặt dọc các đường đi để khách ngồi xem hát, có khi hết cả vé súp, khách chẳng cần câu nệ ghế ngồi, mua vé hạng đứng, chen chúc đầy các lối đi để xem hát. Lần đông nhất phải kể đến là vào năm 1953, đoàn Hoa Sen ra mắt vở Đoàn Chim Sắt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, khách rần rần kéo tới rạp, đứng chật kín các hành lang, lối đi, chen lên cả bục sân khấu, lẫn hậu trường để xem hát.
Thập niên 1940 – 1960, rạp Nguyễn Văn Hảo là địa điểm mà các đoàn hát nổi tiếng như Hoa Sen, Năm Châu, Hương Mùa Thu,… thường chọn trình diễn khi ra mắt các vở cải lương mới, hoặc trình diễn một kỹ thuật diễn, hát mới.
Thập niên 1970, cải lương bị thất thế một thời gian dài khi điện ảnh các nước du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Các rạp hát cải lương lần lượt phải đóng cửa hoặc chuyển đổi công năng. Rạp Nguyễn Văn Hảo cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó. Năm 1970, rạp Nguyễn Văn Hảo được ông Nguyễn Văn Đối thuê lại, để sửa sang làm rạp chiếu phim. Từ “thánh địa” cải lương thập niên 1950-1960, rạp Nguyễn Văn Hảo được gọi bằng một cái tên mới thức thời hơn là “Ciné Nguyễn Văn Hảo”.
Sau năm 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo một lần nữa đổi tên thành rạp Công Nhân. Ngày nay, rạp Công Nhân còn có một tên gọi khác là Nhà hát kịch Thành phố, toạ lạc tại số 30 Trần Hưng Đạo, lưng quay về phía đường Bùi Viện.
Về quê xây chùa, xây chợ & làm việc thiện
Từ trước năm 1960, khi đang còn làm ăn rất phát đạt tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo đã quay về Càng Long tìm mua một khu đất rộng 150 công với mục đích xây một ngôi chùa lớn cho quê hương mình. Sau khi được chính quyền chấp thuận, ông thuê kỹ sư Phan Hiếu Kinh thiết kế kiến trúc.
Điểm đặc biệt của chùa ông Hảo (Hảo Tâm Tự) là ngôi tháp cao 9 tầng và lối kiến trúc tân thời pha lẫn Á Đông. Do ở quê, điều kiện giao thông, thợ thuyền và vật liệu đều mua bán khó khăn nên phải mất 8 năm ròng rã ngôi chùa mới cơ bản hoàn thành.
Ông Hảo có hai bà vợ, bà vợ đầu là người ông cưới khi còn trẻ ở quê, hai người có 1 người con chung là ông Nguyễn Tâm Thạnh sinh năm 1929 tại Càng Long, cũng là người con ruột duy nhất của ông Hảo. Sau gia đình ông Hảo nhận thêm một người cháu ruột làm con nuôi. Bà vợ đầu chính là người đã cùng chung tay kinh doanh, buôn bán, gây dựng lên sự nghiệp lớn cùng ông.
Về người con trai tên Nguyễn Tâm Thạnh, dù được sinh ra và bao bọc trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho ăn học đầy đủ ở trường Tây, có thời gian được gửi lên Đà Lạt học. Nhưng theo lời kể của nhiều người, khác với tính cách ôn hoà, niềm nở, chịu thương chịu khó của cha mẹ, ông Thạnh lại có phần nóng nảy, không thích công việc kinh doanh và khá ham chơi. Ông thường kết giao thân thiết, tụ tập chơi bời, đua xe, bắn chim với nhiều “công tử” Sài Thành thời đó. Ngoài ra, ông Thạnh còn có sở thích lái xe jeep đi rừng, có khi đi suốt mấy tháng trời, ở dài ngày trong các cánh rừng từ Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng và ra tận Khánh Hoà.
Năm 1966, vợ cả qua đời, ông Hảo lúc này 76 tuổi, người con trai duy nhất là Nguyễn Tâm Thạnh dù đã 37 tuổi nhưng không thể tiếp quản việc kinh doanh của cha mẹ. Ông Hảo quyết định đóng cửa công ty kinh doanh phụ tùng, giao gara xe và cây xăng cho người con nuôi quản lý kinh doanh, các tài sản khác ông giao lại cho con trai Nguyễn Tâm Thạnh. Về phần mình, ông Hảo trở về quê nhà Càng Long, sinh sống từ đó cho tới lúc mất cùng người vợ sau.
Tuy nhiên, là người năng động tích cực, ông Hảo chẳng ở không được bao lâu, về Càng Long, ông lại tiếp tục mua đất xây chợ, xây các dãy nhà phố làm chỗ cho người dân trong vùng mua bán. Ông Hảo cũng từng vác đơn xin phép chính quyền xây cầu vượt, cầu nối bắc ngang sông để thuận tiện đi lại nhưng không được cấp phép.
Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, chùa ông Hảo trở thành nơi che chở, trú tránh, nuôi dưỡng những người dân chạy loạn từ khắp nơi lui tới. Những thửa đất dư quanh chùa, ông Hảo cho dân trong vùng mượn để trồng cấy, mưu sinh. Nhiều nguồn tin cho rằng, thời gian ở Càng Long, ông Hảo còn bí mật ủng hộ rất nhiều tài sản, tiền bạc, vật dụng, thuốc men, lương thực gửi vào vùng kháng chiến.
Năm 1971, ông Hảo qua đời khi đang ở tại Sài Gòn. Theo di nguyện, con cháu đưa ông về an táng tại khu mộ riêng của gia đình được xây sẵn từ năm 1940 tại Càng Long. Khu mộ của gia đình ông Hảo, sau nhiều biến cố thời cuộc, nhiều lần bị đào bới để trộm cắp tài sản hiện vẫn còn tồn tại. Sau khi ông Hảo qua đời, người vợ sau của ông Hảo là bà Nguyễn Thị Dài đã thay chồng coi sóc ngôi chùa. Năm 1975, toàn bộ tài sản của ông Hảo, trong đó có ngôi chùa và cả khu thờ cúng của gia đình ông Hảo bị “tịch thu” sung công, bà Dài tiếp tục ở lại trong ngôi nhà nhỏ cạnh khu thờ tự cho đến năm 1979 thì qua đời và chính quyền “tịch thu” hoàn toàn các khu nhà này.
Hậu duệ nghèo khó
Như đã kể ở trên, ông Hảo chỉ có một người con trai duy nhất là ông Nguyễn Tâm Thạnh, nhưng ông Thạnh lại không đủ lực để tiếp quản gia nghiệp hay làm nên nghiệp lớn như cha. Ngược lại hoàn toàn với người cha chỉ hiếm hoi có một con độc nhất, ông Thạnh lại rất đông con, riêng với người vợ thứ ba đã sanh cho ông tới 9 người con. Chính vì vậy, sau biến cố năm 1975, khi toàn bộ tài sản của gia đình bị kê biên, gia đình ông Thạnh chỉ được giữ lại phần diện tích nhà đã sinh sống từ thời ông Hảo là hai tầng trên ở nửa toà biệt thự phía trước.
Năm 1976, ông Thạnh từng có thời gian về Bà Rịa làm rẫy nhưng cũng chẳng thể lo nổi cho bầy con đông đúc. Để có tiền nuôi gia đình, ông Thạnh phải lần lượt gỡ bán hầu hết các đồ vật quý giá trong nhà, hết đồ quý giá phải bán luôn những thứ cơ bản, đến cả những tấm kính chồng ồn cũng phải gỡ bán. Con cái ông Thạnh lớn lên trong cảnh thiếu thốn, bần hàn, hầu hết không được học hành đầy đủ. Hiện nay, những người con của ông Thạnh đều đã trưởng thành, con cháu đề huề, nhiều người vẫn sống cả gia đình trong những căn phòng ở căn biệt thự cũ, có người phiêu bạt về quê hoặc đi nơi khác sinh sống nhưng hầu như tất cả đều vất vả với những công việc tay chân, làm đủ nghề để sống.
chuyenxua.net biên soạn