Câu chuyện về những tỷ phú Sài Gòn xưa – Kỳ 5: Từ người thợ vá xe đạp trở thành chủ rạp Hưng Đạo nổi tiếng

Thời xưa, nếu đi ngang qua đại lộ Trần Hưng Đạo ở góc đường Nguyễn Cư Trinh, ai cũng dễ dàng nhìn thấy một rạp hát bề thế, mang tên là Hưng Đạo. Trong rất nhiều hình ảnh xưa còn lại, chúng ta dễ dàng nhìn thấy rạp hát mà đến ngày nay vẫn còn sau hơn 60 năm.

Năm 1958, ông Nguyễn Thành Niệm, một đại phú gia – chủ hãng xuất nhập cảng xe hơi, đồ phụ tùng xe hơi, xe máy, tủ lạnh và máy lạnh… ở ngay ngã tư các đường Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Cư Trinh và Cô Bắc, đã bỏ tiền ra xây cất tòa nhà Hưng Ðạo 1, rạp Hưng Ðạo và một tòa nhà khác được đặt tên là Hưng Ðạo 2 ở ngay ngã tư, góc đường Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu) và đại lộ Trần Hưng Ðạo.

Ðến đầu năm 1960, các công trình này mới hoàn thành và đưa vào khai thác. Lúc đó đoàn Thanh Minh – Thanh Nga còn mướn thường trực rạp hát Thành Xương ở đường Yersin của ông Phạm Minh Tấn. Lúc này thì người em vợ của ông Nguyễn Thành Niệm tên là Ân được trao quyền quản lý rạp Hưng Ðạo. Ông Ân đã mời bà bầu Thơ đến văn phòng của ông trên lầu ba ở ngay mặt tiền rạp Hưng Ðạo để giới thiệu rạp hát và mời bà bầu Thơ đưa đoàn Thanh Minh – Thanh Nga về hát khai trương và ký hợp đồng hát thường trực ở rạp Hưng Ðạo.

Ðến khoảng cuối năm 1967, Hưng Ðạo trở thành “đại bản doanh” của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Tất cả những tuồng mới của đoàn, như Con gái chị Hằng, Ðôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Áo cưới trước cổng chùa, Vàng sáu bạc mười, Hoa Mộc Lan… đều khai trương tại Hưng Ðạo và diễn liên tục khoảng một tháng trước khi chuyển đến điểm diễn khác.

Ðây cũng là thời đỉnh cao của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Muốn xem tuồng mới, khán giả phải mua vé từ sáng sớm. Nhiều xuất hát, chưa đến 10h sáng, phòng vé đã đóng cửa, treo bảng “hết vé”.

Rạp Hưng Đạo ở gần rạp Nguyễn Văn Hảo, và dù ra đời sau nhưng Hưng Đạo nhưng đã lấn áp các rạp lớn khác, một phần cũng nhờ đoàn Thanh Minh – Thanh Nga.

Sân khấu rạp Hưng Đạo được xây dựng đại vĩ tuyến, chiều ngang rất rộng để các đoàn hát thoải mái dựng tuồng, dựng cảnh.

Ngoài ra lúc này cũng là thời điểm các phim màn ảnh rộng Ðài Loan, Hồng Kông, Ấn Ðộ… được nhập về chiếu ở Sài Gòn rất nhiều, nên rạp Hưng Đạo có màn hình đại vĩ tuyến cũng là để tận dụng vào những ngày không diễn cải lương thì sẽ kinh doanh chiếu phim màn ảnh rộng. Mặc dù đoàn Thanh Minh – Thanh Nga có nhiều khán giả, đủ mọi giới, đủ mọi thành phần xã hội, nhưng không thể ngày nào rạp Hưng Ðạo đều diễn cải lương.

Sau năm 1975, rạp Hưng Ðạo được giao cho đoàn cải lương Trần Hữu Trang quản lý, đổi tên thành Rạp Trần Hữu Trang, tiếp tục là nơi sáng đèn cho các đoàn cải lương hoạt động tại Sài Gòn cho đến nay.

Chủ nhân của rạp Hưng đạo là ông Nguyễn Thành Niệm, một người có xuất thân cơ hàn, từ một người vá xe đạp ở lề đường đã vươn lên trở thành một thương gia giàu có, một tỷ phú của Sài Gòn. Tương truyền, ông chủ của rạp Hưng Đạo có câu nói rằng: “Cuộc đời cũng giống như một sân khấu, mình cố làm sao cho sân khấu lộng lẫy thì càng hay…”

Vào thập niên 1940, phương tiện giao thông trên đường phố Sài Gòn vẫn đa số là xe đạp. Khi đó ở góc đường Général Marchand và Gallieni (nay là Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo), có một chàng thanh niên nhập cư tuổi đôi mươi ngồi cặm cụi sửa và vá xe đạp trên lề đường.

Dù làm nghề chân tay, nhưng chàng trai đó vẫn vận dụng tối đa đầu óc để công việc được thuận lợi. Sửa xe có tâm, trung thực, hư đâu sửa đó, tiền công vừa phải, đôi khi sửa miễn phí những cái lặt vặt để khách quay lại lần sau. Dần dần khách truyền tai nhau và đến sửa xe ngày càng đông, có những người bị hư xe ở xa nhưng cũng dẫn bộ tới nơi để sửa.

Sau đó không lâu, đến một ngày người ta thấy phía sau chỗ thợ sửa xe còn bày bán thêm vỏ, ruột xe đạp và những phụ tùng khác để thay cho khách nào cần. Thời đó không có chợ phụ tùng hoặc các loại phụ tùng xe được bày bán khắp nơi như ngày nay, cho nên việc phục vụ linh hoạt của Niệm được bà con ủng hộ. Hai năm sau, khách hàng nhìn thấy có thêm một hai chiếc xe đạp lắp ráp hoàn chỉnh dựng ở đó để bán cho ai cần với giá phải chăng. Hàng của Niệm lắp đến đâu bán được đến đó, ông bắt đầu tích góp được vốn.

Vài năm sau khi làm nghề, không còn vá xe lề đường nữa, Niệm có đủ tiền thuê hẳn một góc nhà và khai trương tiệm “Nguyễn Thành Niệm, sửa xe và bán phụ tùng xe đạp”.

Việc làm ăn tiếp tục thuận lợi, đến đầu thập niên 1950, một dãy phố dài dọc theo đại lộ Gallieni (Trần Hưng Đạo) đoạn Marchand (Nguyễn Cư Trinh) đến xưởng đúc Nguyễn Văn Dung có đến 30 căn nhà mặt tiền được ông Niệm mua lại.

Sở dĩ ông mua được nhiều nhà như vậy là do lúc đó Nam kỳ trải qua một thời gian khủng hoảng, tình hình kinh tế chính trị chưa được ổn định, nhiều người bán nhà ở Sài Gòn để hồi hương, nên ông Niệm mua được với giá rẻ.

Cuối thập niên 1950, Công ty Indo – Comptoir của Nguyễn Thành Niệm trở thành một trong 10 công ty xuất nhập khẩu phụ tùng xe cơ giới lớn nhất Sài Gòn có chi nhánh ở khắp miền Nam, vươn tới Nam Vang, Vientian, Pakse (Lào).

chuyenxua.net biên soạn